|
Cán bộ Hội Nông dân xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng) trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế với hội viên nông dân. Ảnh: Dương Đức |
Huyện Giao Thuỷ hiện có trên 40 ngàn hội viên nông dân, đạt 90% so với số hộ nông thôn, sinh hoạt tại Hội Nông dân ở 22 xã, thị trấn. Để có sự phát triển nhanh chóng về số lượng, chất lượng hội viên, ngay từ đầu nhiệm kỳ, HND huyện đã xác định rõ mục tiêu xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh phải đạt được cả về số lượng, chất lượng. Trước hết phải kể đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ từ Ban chấp hành HND xã, thị trấn đến chi hội vừa có tinh thần trách nhiệm, vừa có năng lực, kiến thức hiểu biết pháp luật, am hiểu tín ngưỡng để làm cơ sở vận động quần chúng. Các cấp HND huyện kịp thời quán triệt, phổ biến các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến hội viên nông dân; chủ động tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương; phối hợp với các ngành, đoàn thể tăng cường công tác giáo dục chính trị, phổ biến pháp luật, kiến thức khoa học kỹ thuật; khai thác các nguồn vốn vay, tạo việc làm cho hội viên nông dân. Trong những năm qua, HND huyện đã tổ chức dịch vụ mua trên 3000 tấn phân bón trả chậm cho hội viên nông dân; phối hợp với các doanh nghiệp, ngành nông nghiệp, thủy sản, tổ chức gần 500 buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 67 ngàn lượt cán bộ hội viên. HND huyện đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện tổ chức chuyển giao nghề trồng nấm và nhân rộng ra 22 xã, thị trấn; phối hợp với Ngân hàng CSXH hỗ trợ cho nông dân nghèo và con em nông dân là sinh viên các trường cao đẳng, đại học vay vốn. Đến nay, tổng nguồn vốn ủy thác của hội đạt trên 45,139 tỷ đồng cho gần 8000 lượt hộ vay; Quỹ Hỗ trợ nông dân đã cho gần 210 lượt hộ vay trên 700 triệu đồng; kênh vốn 120 cho vay 2 dự án, đạt 260 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay, nhiều hộ nghèo đã vươn lên làm giàu. Với tâm huyết trong sản xuất, nhiều hộ nông dân bỏ ra hàng chục triệu đồng đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh để nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, cách thức làm ăn về vận dụng tại gia đình và địa phương. Toàn huyện đã có 472 trang trại, gia trại đạt trên 100 triệu đồng trở lên. Hàng năm có trên 20 ngàn hộ đăng ký thi đua học tập nâng cao kiến thức sản xuất, xây dựng phong trào sản xuất đa cây, đa con, thâm canh tăng vụ, nâng cao chất lượng hiệu quả kinh tế. Đặc biệt là sau khi địa phương có chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế ngư - nông - lâm nghiệp, nông dân phấn khởi yên tâm đẩy mạnh sản xuất. Nhiều điển hình tiên tiến, nhiều mô hình tiêu biểu ở các địa phương trong huyện như: Mô hình nuôi thuỷ sản ở các xã Giao Phong, Giao Xuân, Giao An, Giao Thiện…; phong trào sản xuất nấm rơm, nấm mỡ, nấm sò ở các xã Giao Châu, Giao Tiến; mô hình nuôi cá sấu ở các xã Giao An, Giao Yến. HND huyện còn chỉ đạo HND các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi thông tin kinh tế để định hướng cho các hộ nông dân nuôi trồng cây, con theo hướng sản xuất hàng hoá. Hàng năm, các cấp hội tổ chức tham quan các điển hình kinh tế để cán bộ, hội viên nông dân học tập kinh nghiệm. Những hoạt động thiết thực của các cấp HND trong huyện đã tạo sự gắn kết của hội viên với tổ chức hội, góp phần tăng tỷ lệ thu hút, tập hợp nông dân tham gia sinh hoạt hội và xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.
Để giữ vững và phát triển phong trào, HND Giao Thủy tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi; tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, cung cấp thông tin, trang bị những kiến thức cần thiết, giúp nông dân tiếp cận thị trường, chọn ngành nghề sản xuất, tạo ra nông sản hàng hóa có khả năng cạnh tranh trên thị trường./.
Hoàng Tuấn