Cơ sở sản xuất đồ mộc mỹ nghệ của anh Trần Thanh Nghị. |
Trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xã Hải Giang tập trung cho phát triển sản xuất CN-TTCN. Xã khuyến khích các hộ duy trì và mở rộng ngành nghề truyền thống như mộc, nề; tạo điều kiện cho các tập thể và cá nhân đầu tư vào khu đất bãi ven sông Ninh Cơ. Hiện nay, trên địa bàn xã có một nhà máy gạch Tuynel, 8 lò gạch thủ công, một xưởng đóng tàu, 2 xưởng chế biến nông sản, 4 xưởng may công nghiệp và nhiều hộ sản xuất mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng. Theo lời giới thiệu của đồng chí Mai Văn Dương, Bí thư Đảng ủy xã, chúng tôi tới thăm cơ sở sản xuất đồ mộc mỹ nghệ của anh Trần Thanh Nghị ở xóm 2. Từ năm 1995, do yêu thích nghề mộc, anh Nghị đã đi học nghề tại La Xuyên (Yên Ninh - Ý Yên) và Đan Phượng (Hà Tây cũ). Đến năm 2002, anh Nghị về quê mở xưởng sản xuất, tuyển 5 lao động để đào tạo nghề và cùng làm. Cơ sở của anh chủ yếu sản xuất sập gụ, mỗi năm bán khoảng 70 chiếc cho các đại lý của xã Hải Minh (Hải Hậu) và một số xã lân cận, người lao động có thu nhập từ 2,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Hiện ở Hải Giang có 7 cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng, mỗi cơ sở tạo việc làm cho 6-10 lao động. Để có đủ nguyên liệu cho các hộ sản xuất xã có 2 đại lý cung ứng gỗ với mỗi lần nhập hàng trăm m3 gỗ các loại. Nhà máy gạch Tuynel Sông Giang ở gần sông Ninh Cơ rất thuận lợi cho việc xuất nhập nguyên liệu, sản phẩm. Năm 2009, nhà máy sản xuất gần 20 triệu viên gạch, doanh thu trên 11 tỷ đồng bảo đảm việc làm cho trên 100 lao động với thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Các cơ sở may trong xã tạo việc làm cho gần 300 lao động có thu nhập từ 1-1,2 triệu đồng/người/tháng. Xưởng đóng tàu Thiên Thuận Mỹ chuyên đóng các tàu nhỏ dưới 100 tấn, tạo việc làm cho 20 lao động, sản phẩm tiêu thụ tốt ở các tỉnh Thanh Hoá, Ninh Bình.
Thời gian tới, xã Hải Giang phấn đấu đưa giá trị sản xuất CN-TTCN, xây dựng, dịch vụ đạt 65%. Xã tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp đóng tàu, sản xuất lưới cước... vào đầu tư trên diện tích 10 ha đất bãi ven sông Ninh Cơ. Bên cạnh việc giữ vững và phát triển các nghề đã có, Hải Giang luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân đưa thêm nghề mới về xã. Trong sản xuất nông nghiệp phấn đấu đưa diện tích cây vụ đông trên đất 2 lúa lên khoảng 90ha./.
Bài và ảnh: Trần Hữu Quyết