Ảnh minh họa |
Những năm gần đây, ngày càng có nhiều loại hàng hóa thuộc nhiều lĩnh vực bị làm giả, làm nhái với thủ đoạn tinh vi, rất khó phát hiện. Cùng với các giải pháp như tăng cường kiểm tra, kiểm soát; xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm… thì việc tuyên truyền, vận động các nhà sản xuất, các hộ kinh doanh và người tiêu dùng tham gia chống hàng giả, hàng nhái được các cấp, các ngành xác định là một trong những phương án quan trọng nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái lưu thông trên thị trường.
Ước tính, trên địa bàn tỉnh ta hiện có khoảng 35 nghìn hộ kinh doanh cá thể, 50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại. Để góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của các nhà sản xuất chân chính và người tiêu dùng, các cấp, các ngành chức năng: Quản lý thị trường, Công an, Sở Y tế… đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành và UBND tỉnh về chống hàng giả, hàng nhái. Đối với các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh và dịch vụ thương mại, yêu cầu thực hiện nghiêm nghị định của Chính phủ về đăng ký kinh doanh, chỉ phân phối các sản phẩm hàng hóa bảo đảm các quy định của Nhà nước, kiên quyết không nhận phân phối hoặc kinh doanh những loại hàng hóa Nhà nước không cho phép: hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng nhái…, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, chống hàng giả, hàng nhái. Các cơ quan chức năng đã chủ động phân loại, kiểm tra theo từng lĩnh vực, mặt hàng kinh doanh như khí hóa lỏng (mặt hàng kinh doanh có điều kiện), công nghệ, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ uống, chất tẩy rửa…, qua đó lồng ghép tuyên truyền công tác chống hàng giả một cách có hiệu quả. Người tiêu dùng nên mua sắm hàng hoá tại các cửa hàng, các nhà phân phối có uy tín nhưng vẫn phải chú ý kiểm tra kỹ các chỉ tiêu như tên, địa chỉ cơ sở sản xuất, số điện thoại (nếu có), số đăng ký chất lượng hoặc đăng ký kinh doanh, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, ngày sản xuất và hạn sử dụng… Tuy nhiên việc tuyên truyền nhằm chống hàng giả, hàng nhái hiện nay vẫn còn một số hạn chế. Các văn bản pháp quy về chống hàng giả đã và đang được ban hành song việc triển khai vào đời sống còn khó khăn do chưa có quy định cụ thể của từng cấp, từng ngành trong việc phổ biến, giải thích các văn bản pháp quy cũng như vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh chống hàng giả; trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, người tiêu dùng trong việc phát hiện, phòng và chống hàng giả. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận vẫn cố tình đưa hàng giả, hàng nhái ra thị trường. Người tiêu dùng khi phát hiện hoặc mua phải hàng giả, hàng nhái chưa mạnh dạn tố giác hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý các vi phạm. Các cấp, các ngành chức năng cần thường xuyên tổ chức triển lãm về hàng thật, hàng giả, phổ biến cho nhân dân nhận biết về hàng giả, các dấu hiệu phân biệt giữa hàng thật và hàng giả đang lưu thông trên thị trường. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn chuyên đề về hàng giả và công tác chống hàng giả cho cán bộ các ngành, các cấp, các lực lượng có chức năng chống hàng giả và các doanh nghiệp. Hình thành câu lạc bộ hiệp hội chống hàng giả theo địa phương hoặc theo ngành hàng để thu hút các doanh nghiệp, các cơ quan thông tin đại chúng tham gia. Công tác tuyên truyền phải thường xuyên với hình thức, phương pháp đa dạng, phong phú, dễ hiểu, dễ nhớ và đáp ứng các yêu cầu kế hoạch đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái góp phần giữ vững và ổn định thị trường, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển./.
Thanh Thủy