Những người lính “đi trước về sau”

10:01, 22/01/2013

Trong cuộc đấu tranh với cái ác, với âm mưu thủ đoạn của các loại tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân của lực lượng Công an Nam Định, đằng sau những chiến công có phần đóng góp thầm lặng của những cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng hậu cần - kỹ thuật Công an Nam Định. Với chức năng nhiệm vụ của mình, 65 năm qua, gắn liền với quá trình xây dựng và trưởng thành của Công an tỉnh nhà, đội ngũ những người làm công tác hậu cần - kỹ thuật luôn phấn đấu vươn lên, đảm bảo kịp thời nhu cầu về vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác chiến đấu và xây dựng lực lượng qua từng thời kỳ.

Những năm 1945-1954, lực lượng hậu cần Ty Công an Nam Định ra đời, phục vụ đấu tranh chống phản cách mạng và các loại tội phạm; cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp, giải phóng quê hương.

Giai đoạn 1954-1985, đội ngũ hậu cần công an được kiện toàn tổ chức. Tuy khó khăn thiếu thốn trăm bề nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ưu tiên hàng đầu vẫn dành cho lực lượng trực tiếp chiến đấu. Chăm lo cho đời sống cán bộ, chiến sỹ được đảm bảo lúc này là cả một thử thách, cũng là nhiệm vụ tối quan trọng đối với lực lượng hậu cần. Tất cả đều vì mục tiêu giữ vững an ninh trật tự, góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hoà bình lập lại, bộ máy hậu cần công an các cấp tiến hành ổn định tổ chức, tăng cường lực lượng, đổi mới toàn diện, đảm bảo đáp ứng kịp thời, đầy đủ yêu cầu phục vụ chiến đấu. Với những người lính trên mặt trận không tiếng súng ấy, công tác hậu cần cho chiến dịch 135 lịch sử và 2 lần phục vụ công tác chia tách Công an tỉnh có lẽ là những kỷ niệm không thể quên. Đại tá Vũ Thị Thanh Hương - nguyên Trưởng phòng Hậu cần - Kỹ thuật cho biết: “Sau ngày tái lập tỉnh năm 1997, lực lượng hậu cần đã nhanh chóng ổn định nơi sinh hoạt, làm việc cho cán bộ, chiến sỹ. Với tinh thần dám nghĩ dám làm, chúng tôi đã không ngừng đổi mới để thích ứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao, qua đó tạo dựng nguồn cơ sở vật chất kỹ thuật, thực lực hậu cần vững mạnh trên tất cả các lĩnh vực. Đó chính là tiền đề quan trọng giúp các đơn vị công an trong toàn tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ ANTT”.

Lãnh đạo Phòng Hậu cần - Kỹ thuật triển khai chương trình công tác. Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Lãnh đạo Phòng Hậu cần - Kỹ thuật triển khai chương trình công tác. Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Về công tác xây dựng cơ bản, hầu hết trụ sở công an các huyện, thành phố, phường, đồn đã được xây dựng kiên cố. Nhiều công trình xây mới đảm bảo thiết kế ban đầu cũng như yêu cầu mỹ quan. Hệ thống nhà khách, nhà nghỉ dưỡng, bếp ăn tập thể được quan tâm đầu tư, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu ăn nghỉ của cán bộ, chiến sỹ. Chỉ tính riêng nhà nghỉ dưỡng Thịnh Long với quy mô 100 giường đã phục vụ khoảng 2.000 phiếu nghỉ dưỡng và điều dưỡng mỗi năm.

Hiện nay, ngoài đội xe của Công an tỉnh với 30 đầu xe do Phòng Hậu cần - Kỹ thuật quản lý, 100% công an các huyện, thành phố và một số phòng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh đã được trang bị và giao quản lý trực tiếp nhiều loại phương tiện, nâng tổng số lên 172 ô tô, 226 mô tô và 43 tàu, xuồng, ca nô các loại.

Những thiết bị vật tư, thiết bị nghiệp vụ như vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện nghiệp vụ phục vụ cho lĩnh vực khoa học kỹ thuật hình sự, ngoại tuyến, viễn thông - tin học, thông tin liên lạc cũng được chú ý đầu tư. Nhiều trang thiết bị kỹ thuật hiện đại đã được trang bị, lắp đặt đồng bộ tới từng đơn vị nghiệp vụ. Điều kiện làm việc được quan tâm hơn trước rất nhiều. Trang phục đáp ứng đủ tiêu chuẩn định mức cho mọi lực lượng, nhất là cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ tuần tra canh gác trại giam và cảnh sát cơ động.

Đặc biệt, cán bộ, chiến sỹ Phòng Hậu cần - Kỹ thuật còn tập trung đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng chủng loại một khối lượng lớn vũ khí, khí tài, các phương tiện, vật tư kỹ thuật, góp phần bảo vệ tuyệt đối an toàn những sự kiện chính trị - ngoại giao quan trọng, những hoạt động văn hoá - thể thao mang tầm vóc khu vực hay các cuộc diễn tập phòng chống lụt bão, bạo loạn khủng bố, phòng thủ khu vực ĐB-11 và bảo vệ an ninh nông thôn thời kỳ có điểm nóng.

Theo Thượng tá Ngô Mạnh Hà, Trưởng phòng Hậu cần - Kỹ thuật, bên cạnh việc đáp ứng các yêu cầu phục vụ chiến đấu, những năm qua, công tác quản lý sử dụng các nguồn ngân sách, đảm bảo đời sống và chăm sóc sức khoẻ cán bộ, chiến sỹ cũng có nhiều đổi mới. Ghi nhận từ thực tế cho thấy xuất hiện ngày càng nhiều mô hình, đơn vị, tập thể có sáng tạo và kinh nghiệm hay trong tổ chức hậu cần tại chỗ, đảm bảo tốt nhiệm vụ chính trị và chăm lo xây dựng đơn vị.

Năm 2011, bệnh xá Công an tỉnh nâng cấp thành bệnh viện đa khoa hạng III, đưa vào hoạt động nhiều khoa mới và tiếp tục xã hội hoá công tác khám chữa bệnh, được bệnh nhân đánh giá cao cả về chuyên môn lẫn y đức. Sau một năm hoạt động, bệnh viện được tách riêng, chính thức trở thành đơn vị trực thuộc giám đốc.

Ngoài công tác chuyên môn, cán bộ, chiến sỹ hậu cần - kỹ thuật còn tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, từ thiện, chăm sóc sức khoẻ cộng động, hiến máu nhân đạo, giúp dân chủ động phòng chống lụt bão, giảm thiểu thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra. Đó là những thành tích đáng tự hào của lực lượng hậu cần - kỹ thuật Công an Nam Định trong suốt chặng đường 65 năm phấn đấu và trưởng thành.

Tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước, lớp lớp cán bộ, chiến sỹ làm công tác hậu cần - kỹ thuật hôm nay không ngừng cố gắng vươn lên, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, sát cánh cùng các đơn vị chiến đấu, viết tiếp những trang vàng truyền thống và giữ gìn hình ảnh người Công an Nam Định sống trong lòng dân.

81 cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên là 81 gương mặt được đào tạo bài bản, chính quy về chuyên môn, nghiệp vụ. Kỷ luật trong công tác và chiến đấu, nhưng ngoài giờ làm việc, họ lại là những cây văn nghệ, những hạt giống thể thao của toàn Công an tỉnh. Tham gia hội thi điều lệnh, hội thao hay liên hoan nghệ thuật quần chúng, lần nào đơn vị cũng giành giải A toàn đoàn, qua đó tuyển chọn được nhiều gương mặt vận động viên mới.

Dù trên bất kỳ lĩnh vực nào, lực lượng hậu cần - kỹ thuật cũng thể hiện được năng lực và vai trò không thể thay thế. Đằng sau mỗi chiến công đều có sự chuẩn bị tỷ mỉ, chu đáo của những người làm công tác hậu cần. Từ vũ khí phương tiện chiến đấu đến công tác phí, từ cơ số thuốc men đến gói lương khô ăn đường… những đóng góp thầm lặng của họ đã được đồng đội ghi nhận. Suy tôn anh em hậu cần trong các đợt bình xét thi đua chính là cách tập thể chọn để tri ân những người đồng chí luôn đồng hành cùng mình trong mỗi cuộc chiến đấu. Điều ấy giải thích vì sao một đơn vị chuyên môn kỹ thuật lại liên tục 15 năm liền đạt danh hiệu quyết thắng, vinh dự nhận nhiều phần thưởng cao quý như Cờ thi đua xuất sắc trong phong trào “CAND học tập, làm theo 6 điều Bác Hồ dạy”, Cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc” hay Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Tự hào biết bao khi năm 2012, lần đầu tiên tập thể cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên Phòng Hậu cần - Kỹ thuật vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì.

Có thể nói, trải qua 65 năm xây dựng - chiến đấu - trưởng thành, lực lượng hậu cần - kỹ thuật CAND nói chung và Công an Nam Định nói riêng đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình, trong những năm tháng chiến tranh cũng như trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Mỗi thắng lợi của lực lượng CAND trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội đều có chiến công lặng lẽ của những cán bộ luôn đi trước, về sau - những người lính hậu cần, kỹ thuật./.

Ngọc Thương (Công an tỉnh)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com