"Đồng chí Lê Đức Thọ"

01:10, 06/10/2011
“ĐỒNG CHÍ LÊ ĐỨC THỌ”
(Bộ phim tài liệu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của đồng chí Lê Đức Thọ,
nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí)

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ (10-10-1911 - 10-10-2011), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương vừa hoàn thành bộ phim tài liệu "Đồng chí Lê Đức Thọ". Xây dựng bộ phim tài liệu về thân thế và sự nghiệp của đồng chí Lê Đức Thọ là một trong những hoạt động thuộc chương trình tổ chức các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ theo Thông báo số 29-TB/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 20-5-2011. Thông qua xây dựng bộ phim và tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhằm tôn vinh, khẳng định công lao, thể hiện lòng biết ơn đối với đồng chí Lê Đức Thọ, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau, phù hợp với đạo lý của dân tộc và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

anh 11- Đc Lê Đức Thọ phát biểu trước Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ I.bmp
Đồng chí Lê Đức Thọ phát biểu trước Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ I.
Ảnh: T.L

Tác giả kịch bản, đạo diễn phim tài liệu về đồng chí Lê Đức Thọ là NSƯT Phạm Đình Thăng. Tốt nghiệp Trường Điện ảnh Việt Nam năm 1967, ông từng chiến đấu tại chiến trường “túi bom, vựa đạn” tuyến lửa Quảng Bình, Quảng Trị thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thời gian này, ông tham gia hai bộ phim, đạt giải thưởng cao trong nước và quốc tế: “Lũy thép Vĩnh Linh” (giải Vàng Liên hoan phim Mạc Tư Khoa, giải Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam); “Một ngày trực chiến” (giải Hòa Bình thế giới tại Liên hoan phim Laizic, CHDC Đức, Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam). Ông còn tham gia làm phim tại chiến trường Lào, Campuchia và là đồng tác giả và tác giả chính của nhiều phim khác giành các giải thưởng cao tại Liên hoan phim Việt Nam, Liên hoan phim Hội Điện ảnh Việt Nam... Trong sự nghiệp “cầm máy”, ông vinh dự được chọn, cử ghi hình nhiều hoạt động của các vị lãnh tụ của Đảng, Nhà nước, trong đó có: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Tổng Bí thư Trường Chinh, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, đồng chí Lê Đức Thọ…

Khai thác những hình ảnh quý tại Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương, khai thác những tư liệu ảnh do gia đình đồng chí Lê Đức Thọ, Bảo tàng Nam Định cung cấp và các nguồn tư liệu khác, sử dụng một số hình ảnh trong phim “Xứ ủy Nam Bộ” do Đài PT-TH Cà Mau sản xuất, cùng phỏng vấn các nhân chứng lịch sử, tác giả đã khắc họa chân thực và cảm động chân dung đồng chí Lê Đức Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng có nhiều cống hiến đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một chiến sỹ cách mạng kiên cường, một cán bộ lãnh đạo giàu kinh nghiệm của Đảng và Nhà nước. Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng gian khổ nhưng rất vẻ vang, đồng chí Lê Đức Thọ đã đem hết tâm sức, tài năng trí tuệ của mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Trải qua 64 năm hoạt động cách mạng, đồng chí được Đảng, Nhà nước ta và bạn bè quốc tế trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Sao Vàng, Huân chương Cách mạng Tháng Mười, Huân chương Ăngko và nhiều huân, huy chương khác.

Với thời lượng 34 phút, bộ phim đã bao quát được sự nghiệp của đồng chí Lê Đức Thọ gắn liền với 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đồng chí là cán bộ lãnh đạo tiêu biểu của Đảng giàu kinh nghiệm và có tài năng về nhiều mặt. Trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Lê Đức Thọ được Trung ương Đảng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Đồng chí được Đảng và Bác Hồ điều đến những nơi, những lúc và ở những khâu công tác có tính quyết định của cách mạng. Trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và làm nhiệm vụ quốc tế, đồng chí Lê Đức Thọ là một trong những đồng chí lãnh đạo có công lớn. Sau Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, từ tháng 5 năm 1968, đồng chí làm cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ ta tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Hơn 5 năm bên bàn đàm phán ở Paris, Cố vấn Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thuỷ là những nhà thương thuyết tài ba, một “cặp bài trùng” trong “Ván bài lật ngửa” giữa các nhà đàm phán Việt Nam và Mỹ, đưa lại Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”. Với bề dày cách mạng, tầm nhìn xa trông rộng, bản lĩnh chính trị vững vàng, Cố vấn Lê Đức Thọ luôn đưa ra những sáng kiến, giải pháp ngoại giao chiến lược trên cơ sở kết hợp tình hình trong nước với bối cảnh quốc tế; đánh giá ý đồ, âm mưu đối phương, đánh giá ý kiến của các nước anh em, dự kiến các khả năng; đặt lợi ích của dân tộc Việt Nam với lợi ích của cách mạng và hoà bình thế giới làm mục đích đấu tranh ngoại giao chủ đạo. Tính kiên quyết khảng khái, không khoan nhượng trước kẻ thù nhằm bảo vệ chính nghĩa, lẽ phải tại các cuộc thương thuyết công khai và bí mật, đồng chí Lê Đức Thọ luôn giữ vững nguyên tắc nhưng khôn khéo, mềm dẻo và sách lược, chiến lược... làm cho kẻ thù phải khâm phục, trân trọng. Hiệp định Paris được ký kết, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước là một thắng lợi to lớn của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước; là kết quả tổng hợp của cuộc đấu tranh trên cả 3 mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao, trong đó yếu tố chiến trường có ý nghĩa quyết định, nhưng đấu tranh ngoại giao đóng vai trò chủ động tích cực và sáng tạo có tác dụng thúc đẩy, cổ vũ khí thế chiến đấu và chiến thắng ở chiến trường. Trong suốt quá trình thương lượng đến khi Hiệp định được ký kết, Cố vấn Lê Đức Thọ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Bác Hồ và Bộ Chính trị tin cậy giao phó, góp phần quan trọng cùng quân, dân ta “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”, thống nhất đất nước.

Sau Hiệp định Paris, ngụy quyền Sài Gòn lấn chiếm vùng giải phóng, vi phạm nghiêm trọng Hiệp định, nhưng vấp phải sức mạnh của quân giải phóng, chúng liên tiếp thất bại. Sau thắng lợi Buôn Mê Thuột ngày 10 tháng 3, ngày 18 tháng 3 năm 1975, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, hạ quyết tâm giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975, đồng thời cử đồng chí Lê Đức Thọ vào miền Nam để phổ biến Nghị quyết về cuộc Tổng tiến công lịch sử và cùng với các đồng chí Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng thay mặt Bộ Chính trị chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Khi lên đường vào Nam đồng chí có làm bài thơ nổi tiếng “Lời Anh dặn” tặng đồng chí Lê Duẩn:

“Anh dặn ra đi thắng mới về
Phút giây cảm động nói năng chi
Lời anh là cả lời non nước
Muôn dặm Trường Sơn sá ngại gì…”

 Sài Gòn giải phóng, Tổ quốc thống nhất. Đó là thắng lợi huy hoàng của Đảng ta, của Tổ quốc và nhân dân ta, trải qua hơn 20 năm chiến đấu gan góc, kiên cường, chịu bao tổn thất, hy sinh. Trong niềm hân hoan vô bờ của toàn dân tộc, trên lễ đài mừng ngày chiến thắng có đồng chí Lê Đức Thọ, một trong những người có nhiều đóng góp lớn cho Cách mạng miền Nam và cho ngày toàn thắng.

Năm 1974, tại nước bạn Campuchia, Khơ-me Đỏ cầm quyền. Chỉ trong 4 năm, chế độ diệt chủng Campuchia của Khơ-me Đỏ đã giết hại khoảng 3 triệu người. Trong đó có gần 200 nhà văn, nhà báo, 600 bác sĩ, dược sĩ, 18 ngàn thầy giáo, giáo sư, hơn 10.000 sinh viên. Chúng đã phá hủy khoảng 6.000 trường học, 700 bệnh viện và cơ sở y tế, gần 2.000 ngôi chùa... Đây thực sự là một thảm họa diệt chủng hết sức khủng khiếp trong lịch sử loài người. Từ giữa năm 1977 đến tháng 1 năm 1979, đồng chí được Bộ Chính trị phân công phụ trách Ban Công tác Đặc biệt giúp bạn. Chính phủ và nhân dân Campuchia mãi mãi ghi tạc công ơn to lớn của Đảng, Nhà nước Việt Nam, của bộ đội quân tình nguyện Việt Nam đã chịu rất nhiều mất mát, hy sinh, trong suốt 10 năm, giúp bạn xóa bỏ được chế độ diệt chủng và giúp bạn hồi sinh đất nước, hồi sinh dân tộc Campuchia. Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia đã tặng thưởng đồng chí Lê Đức Thọ Huân chương Ăngko, huân chương cao quý nhất của bạn.

Bên cạnh giới thiệu quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ, bộ phim cũng nêu bật truyền thống của quê hương, nơi sinh thành và hun đúc lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng; đồng thời, phản ánh chân thực, sinh động sự quan tâm của đồng chí Lê Đức Thọ đối với quê hương Nam Định và quê hương Nam Định với đồng chí Lê Đức Thọ. Một quãng đời tuổi trẻ gắn bó sinh tử với phong trào cách mạng Thành Nam, đồng chí Lê Đức Thọ đã đem hết nhiệt huyết, trí lực phấn đấu cho lý tưởng cộng sản và trở thành một trong những cán bộ chủ chốt của phong trào cách mạng quê hương. Chính những năm tháng hoạt động không mệt mỏi, không quản gian khổ hy sinh, qua các nhà tù đế quốc và qua các phong trào cách mạng ở Nam Định đã tôi rèn bản lĩnh, bồi đắp trí tuệ cách mạng để sau này đồng chí trở thành một đồng chí lãnh đạo tiêu biểu, xuất sắc của Đảng, Nhà nước. Do bận nhiều công việc, đồng chí Lê Đức Thọ ít có dịp về thăm quê hương. Nhưng những lần trở về thăm quê hương của đồng chí luôn để lại cho Đảng bộ và nhân dân Nam Định ấn tượng khó phai về tình cảm thắm thiết, sâu sắc của một người con xa quê. Tuy không thường xuyên về thăm quê nhưng đồng chí vẫn luôn quan tâm, lo lắng đến miền quê nghèo khó, mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Tình cảm tâm huyết, ân tình đối với quê hương, sự quan tâm sâu sát của đồng chí Lê Đức Thọ luôn là nguồn động viên, cổ vũ Đảng bộ và nhân dân Nam Định trong sự nghiệp xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh.

Năm 2011, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Đảng bộ tỉnh Nam Định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả của hệ thống chính trị. Tích cực huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, coi trọng phát huy nội lực văn hoá, giáo dục và lợi thế về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, kinh tế biển để tạo bước phát triển mới, nhanh, mạnh và vững chắc về kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh CNH-HĐH, trọng tâm là CNH-HĐH nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tham gia hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tiếp tục củng cố, hoàn thiện quan hệ sản xuất. Phát triển kinh tế hài hoà, gắn kết với phát triển văn hoá, xã hội và bảo vệ môi trường. Thực hiện dân chủ và công bằng xã hội. Chăm lo nâng cao hơn nữa đời sống của nhân dân. Củng cố khối đại đoàn kết và đồng thuận xã hội. Tăng cường tiềm lực quốc phòng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội. Phát huy sức mạnh tổng hợp của Đảng bộ và nhân dân, chủ động nắm bắt và tạo dựng thời cơ, phấn đấu rút ngắn khoảng cách về phát triển kinh tế so với tốc độ, trình độ chung của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Quyết tâm xây dựng Thành phố Nam Định thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh trong năm 2012 và trở thành trung tâm của vùng Nam đồng bằng sông Hồng.

Phim kết thúc với bài thơ đồng chí làm để vịnh lại bài thơ “Đèo Ngang” của Bà huyện Thanh Quan, khi đồng chí trên đường vào tham gia chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, khi đó đồng chí đã 64 tuổi:

Quân vượt đèo Ngang quyết diệt tà
Chiến công nối tiếp nở như hoa
Bom rơi chật đất thù muôn thuở
Máu đổ tràn sông hận mỗi nhà
Đã quyết hy sinh cho đất nước
Quản gì nát thịt với tan da
Ngày vui thống nhất không xa nữa
Nam Bắc sum vầy ta gặp ta

Bộ phim "Đồng chí Lê Đức Thọ" sẽ được trình chiếu trong thời gian kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều đài Phát thanh và Truyền hình của các địa phương trong cả nước./.

Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com