Những mô hình thanh niên làm kinh tế ở Nghĩa Lạc

08:08, 17/08/2011

Ở xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) hiện có nhiều mô hình làm kinh tế của thanh niên đạt hiệu quả cao, thu nhập ổn định, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục lao động ở địa phương. Anh Nguyễn Văn Luân, xóm 1 có mô hình nuôi hươu sao, nuôi nhím, hằng năm đạt doanh thu gần 100 triệu đồng. Anh Đặng Thanh Tùng (SN 1985), xóm 7 có xưởng may với 25 lao động, thu nhập mỗi người đạt 2-2,5 triệu đồng/tháng… Toàn xã hiện có hơn 10 mô hình kinh tế của đoàn viên, thanh niên có thu nhập từ 70-100 triệu đồng/năm. 

Xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của anh Phạm Văn Điệp, xóm 7, xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng).
Xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của anh Phạm Văn Điệp,
xóm 7, xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng).

Chúng tôi đến xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình anh Phạm Văn Điệp, 30 tuổi, ở  xóm 7 đúng lúc “ông chủ trẻ” đang bận rộn với công việc xuất hàng. Anh Điệp cho biết: “Từ nay đến cuối năm, xưởng không dám nhận thêm đơn hàng nữa mà chỉ lo hoàn thành các đơn hàng của khách đã đặt”. Năm 1998, sau khi tốt nghiệp THPT, Điệp vào Thành phố Hồ Chí Minh học nghề mộc. Quá trình vừa học vừa làm giúp anh rèn luyện tay nghề và tích lũy kinh nghiệm sản xuất. Năm 2005, anh trở về quê hương. Cũng là thời điểm nhu cầu sử dụng đồ gỗ gia dụng của người dân ngày càng nhiều. Anh vay vốn của Đoàn Thanh niên và quỹ tín dụng nhân dân đầu tư mua sắm máy móc, làm nhà xưởng, mua gỗ, tìm thợ… Với tay nghề giỏi, làm việc có uy tín, không chỉ có khách hàng trong huyện mà nhiều người từ một số tỉnh lân cận cũng tìm tới đây đặt hàng, trong đó có Cty Đồ gỗ Hoa Phương (TP Nam Định). Đến nay, tổng số vốn anh Điệp đầu tư cho xưởng gỗ khoảng hơn 500 triệu đồng. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình anh thu lãi gần 100 triệu đồng. Xưởng của anh tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập 2,5-3,5 triệu đồng/người/tháng. Từ lâu, nhiều người dân xã Nghĩa Lạc biết đến xưởng may công nghiệp của gia đình anh Đoàn Văn Tiền (SN 1986) là xưởng may có quy mô và làm ăn phát đạt nhất nhì trong xã. Với tuổi đời còn trẻ, ít kinh nghiệm kinh doanh... là những khó khăn mà anh Tiền gặp phải trong những ngày đầu mở xưởng. Không ngại khó, anh kiên trì học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, tìm hiểu thị trường và thực hiện phương châm “lấy công làm lãi”, lấy ngắn nuôi dài, năm 2008 anh Tiền đã tạo dựng xưởng may riêng, chủ yếu may quần áo thể thao, mang lại thu nhập cho gia đình từ 5-7 triệu đồng/tháng. Cùng với mức thu nhập ổn định hàng tháng cho gia đình, xưởng may công nghiệp của anh Tiền còn tạo việc làm cho 40 lao động với mức thu nhập từ 2-2,8 triệu đồng/người/tháng.

Đồng chí Phạm Quang Thịnh, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Lạc khẳng định: “Mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ ngày càng có sức lan tỏa và tạo điều kiện tốt cho thanh niên nói riêng và người dân trong xã nói chung có thêm việc làm và thu nhập”. Để nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, thời gian qua tổ chức Đoàn xã cũng có nhiều đổi mới trong phương thức hoạt động, lồng ghép tuyên truyền phổ biến các cách làm kinh tế hay, kiến thức mới vào các hoạt động, các buổi sinh hoạt Đoàn; tổ chức cho đoàn viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm từ các điển hình phát triển kinh tế trong và ngoài xã... Từ khi có sự đổi mới, đoàn viên, thanh niên hăng hái tham gia sinh hoạt Đoàn, thông qua đó những kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi… đều được các đoàn viên trao đổi, truyền đạt kinh nghiệm cho nhau. Nhờ đó, những điển hình tiên tiến ngày càng được nhân rộng, góp phần thúc đẩy kinh tế của xã phát triển./.

Bài và ảnh: Ngân Huyền

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com