Hội Nông dân Nghĩa Hưng tham gia phát triển kinh tế

08:07, 13/07/2011

Những năm qua, trong chiến lược phát triển kinh tế, Nghĩa Hưng xác định kinh tế biển là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Trên cơ sở đặc điểm địa hình và tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, Hội Nông dân (HND) huyện Nghĩa Hưng đã phân chia các cơ sở Hội thành 3 cụm thi đua nhằm tạo điều kiện trao đổi, học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế của các đơn vị. Trong đó cụm III gồm có 10 xã, thị trấn: Nghĩa Thành, Nghĩa Lâm, Thị trấn Quỹ Nhất, Nghĩa Hùng, Nghĩa Hải, Nghĩa Lợi, Nghĩa Thắng, Nghĩa Phúc, Nam Điền và Thị trấn Rạng Đông với lợi thế thuộc Khu kinh tế Ninh Cơ có diện tích (cả bãi bồi ven biển) trên 14 nghìn ha. Phát huy những lợi thế do thiên nhiên ưu đãi, cán bộ, hội viên nông dân cụm III đã tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa bàn, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp đồng thời tập trung vào “mũi nhọn” kinh tế biển. 

Chọn ngao xuất khẩu ở xã Nam Điền (Nghĩa Hưng).
Chọn ngao xuất khẩu ở xã Nam Điền (Nghĩa Hưng).

Tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Trong tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, Đảng bộ huyện Nghĩa Hưng luôn xác định: Phải tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp, dịch vụ; đồng thời đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất. Trong những năm qua, trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, hội viên nông dân trong cụm III đã chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, tích cực phát triển chăn nuôi đa dạng các loại con giống, nâng quy mô tổng đàn. HND các xã, thị trấn vận động, hướng dẫn hội viên tiếp tục duy trì và phát triển các mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhiều sản phẩm như: ngao, vạng, cá lóc bông, nhím… đã đáp ứng yêu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Các giống lúa lai được nông dân đưa vào gieo cấy với diện tích ngày càng cao, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, toàn cụm đẩy mạnh thâm canh 2 vụ, đưa năng suất lúa đạt 134 tạ/ha/năm. Cụ thể hóa chủ trương sản xuất vụ đông trên đất 2 vụ lúa, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, trên cơ sở kế hoạch của từng địa phương, HND các xã, thị trấn đã vận động hội viên mở rộng diện tích sản xuất vụ đông. Đến nay, toàn huyện đã trồng trên 650ha cây vụ đông, riêng khu vực cụm III chiếm 40% diện tích cây vụ đông toàn huyện. Một số mô hình sản xuất vụ đông trên đất 2 vụ lúa điển hình cả về diện tích, hiệu quả kinh tế như mô hình thâm canh tăng vụ ở HND Thị trấn Quỹ Nhất; chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trồng màu ở HND xã Nam Điền… Ngoài ra, việc cải tạo vườn tạp trồng những loại cây ăn quả, cây cảnh có hiệu quả kinh tế cao đang được nhiều hội viên nông dân thực hiện.

Gắn với phát triển kinh tế biển

Được phù sa sông Ninh Cơ, sông Đáy bồi đắp cùng với quá trình biển thoái nên quỹ đất của Nghĩa Hưng ngày càng được mở rộng về phía biển. Với địa hình chiều dài bờ biển trên 12km và  2 đảo cát nhỏ tạo thành Cồn Xanh, Cồn Mờ, có rừng phòng hộ ven biển thuộc Khu dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng nên Nghĩa Hưng thuận lợi phát triển kinh tế đa dạng. Đến năm 2010, huyện Nghĩa Hưng có trên 8.800ha bãi bồi, trong đó theo quy hoạch sẽ sử dụng 2.000ha nuôi trồng thuỷ sản đã được huyện uỷ quyền quản lý hành chính cho 9 xã trong cụm III. Diện tích này có điều kiện môi trường sinh thái thuận lợi cho việc nuôi trồng thuỷ hải sản, trồng rừng ngập mặn và phát triển du lịch sinh thái, quai đê, mở đất, phát triển sản xuất và hình thành khu dân cư mới.

Để phát huy tiềm năng kinh tế biển, HND huyện đã cụ thể hóa nghị quyết chuyên đề của Huyện uỷ về “Đổi mới công tác quản lý, tập trung khai thác và phát triển toàn diện kinh tế biển, để kinh tế biển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. HND huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ, hội viên nông dân chuyển đổi diện tích cấy lúa kém năng suất, đất vùng trũng, đất ven khu dân cư kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản. Đặc biệt, từ khi huyện tổ chức cải tạo, nâng cấp hệ thống thuỷ lợi và có chủ trương cho các thành phần kinh tế, các đơn vị có vốn, có tay nghề đấu thầu nuôi công nghiệp vùng Đông Nam Điền, đến nay, đã có nhiều Cty, hộ nông dân đầu tư nuôi trồng thuỷ sản cho năng suất 4-5 tấn/ha. Qua nhiều năm tập trung khai thác, việc nuôi trồng thủy hải sản của huyện đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện đạt 2.930ha; trong đó, diện tích nuôi mặn lợ 1.843,6ha, diện tích nuôi nước ngọt 1.086,4ha. Trong 6 tháng đầu năm 2011, sản lượng khai thác hải sản toàn huyện đạt 6.300 tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 3.948 tấn. Hiện nay, toàn huyện có 710 phương tiện đánh bắt với tổng công suất gần 8.000CV, trong đó có 10 tàu đánh bắt xa bờ, tổng công suất 3.080CV. Từ năm 2003 đến nay, trại giống thuỷ sản của huyện đạt sản lượng 60 triệu con/năm đã đáp ứng được một phần nhu cầu giống thuỷ sản trong huyện, chất lượng giống, khâu kiểm dịch được đảm bảo. Bên cạnh đó, HND các xã, thị trấn trong khu vực cụm III đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư nông nghiệp; tổ chức các buổi tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình nuôi trồng thủy sản, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên. Trong năm 2010, HND các xã, thị trấn trong cụm đã tổ chức được trên 30 buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, tập trung vào kỹ thuật thâm canh lúa, nuôi trồng thủy hải sản… Riêng HND Thị trấn Rạng Đông và xã Nam Điền còn tổ chức cho cán bộ, hội viên đi tham quan mô hình nuôi trồng thủy sản và tham dự lớp tập huấn về nâng cao năng lực nuôi trồng thủy sản do Tổ chức quốc tế Agriterra (Hà Lan) tài trợ. Tại lớp tập huấn này, cán bộ, hội viên nông dân 2 đơn vị đã được nâng cao nhận thức, hiểu biết về nuôi trồng thủy sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. HND các xã, thị trấn trong cụm III còn phối hợp với Ngân hàng NN-PTNT, Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện tốt chức năng ủy thác, tín chấp làm chủ dự án cho nông dân vay vốn để phát triển sản xuất, giảm nghèo. Ngoài ra, 9/10 HND xã, thị trấn trong cụm đã xây dựng được quỹ Hỗ trợ nông dân, tạo thêm nguồn vốn cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để phát triển sản xuất. Để khuyến khích cơ sở Hội còn lại tăng cường vận động xây dựng quỹ Hỗ trợ nông dân, HND tỉnh, huyện đã giải ngân nguồn quỹ của tỉnh, huyện cho 5 hội viên của xã Nam Điền vay vốn phát triển sản xuất.

Những thành tựu trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và khai thác tiềm năng từ biển đã minh chứng cho định hướng phát triển đúng đắn mà huyện Nghĩa Hưng đã lựa chọn. Với khẩu hiệu “Hướng ra biển!”, cán bộ, hội viên nông dân Nghĩa Hưng đang quyết chí làm giàu từ chính mảnh đất giàu tiềm năng này, góp phần thực hiện đạt và vượt mục tiêu của huyện: Đến năm 2015 tổng sản lượng thuỷ hải sản trong toàn huyện đạt 30.000 tấn (trong đó, nuôi trồng đạt 18.000 tấn; đánh bắt đạt 12.000 tấn) và tổng giá trị sản xuất kinh tế biển đạt 565 tỷ đồng./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com