Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. |
Dự phiên khai mạc có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; các đồng chí nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn, các đại biểu Quốc hội thuộc 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, lãnh đạo các địa phương, các vị đại biểu khách quý, các đại sứ, đại biện, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự phiên khai mạc. |
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, từ đầu năm 2022 đến nay, Quốc hội đã tổ chức thành công Kỳ họp thứ 3 và Kỳ họp bất thường lần thứ nhất; đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, “từ sớm, từ xa” cho Kỳ họp thứ 4.
Theo Chủ tịch Quốc hội, như thường lệ, kỳ họp cuối năm bao giờ cũng có khối lượng công việc rất lớn. Tại phiên họp trù bị, với tinh thần “lấy chất lượng Kỳ họp làm chính và phấn đấu để tiết giảm tối đa thời gian”, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí rất cao thông qua nội dung, thời gian, chương trình và phương thức tiến hành kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, trong thời gian qua, chúng ta đã tập trung thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng; Nghị quyết 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 tại Kỳ họp thứ 2, Nghị quyết 43/2022/QH15 về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất.
“Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, kịp thời của Đảng và Nhà nước; quyết sách phù hợp, chủ động và giám sát có hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đồng thời khẳng định tình hình đất nước trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt được những kết quả tích cực, có nhiều dấu ấn nổi bật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV. |
Theo đó, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%, cao nhất kể từ năm 2011 đến nay; các khu vực của nền kinh tế đều có tốc độ phục hồi và tăng trưởng cao (khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%; công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, dịch vụ tăng 10,57% so với cùng kỳ năm trước).
Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, bình quân chỉ tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thực hiện 9 tháng đạt 15,43 tỷ USD, tăng 16,2%. Có trên 163 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng 33,6% so với cùng kỳ, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Loại trừ yếu tố giá, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng tăng 16,8%. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 558,5 tỷ USD tăng 15,1% (trong đó xuất khẩu tăng 17,3%, nhập khẩu tăng 13%), xuất siêu 9 tháng đạt khoảng 6,52 tỷ USD.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu được chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện; triển khai thực hiện kịp thời các chính sách xã hội, nhất là chính sách đối với người có công, chính sách bảo trợ xã hội và các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ngành y tế tiếp tục giữ vai trò nòng cốt, có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngành giáo dục có nhiều cố gắng, kịp thời nghiên cứu, điều chỉnh chương trình giáo dục phổ thông theo Nghị quyết của Quốc hội; có nhiều đổi mới, tăng cường chuyển đổi số trong thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học.
Lĩnh vực văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều sự kiện văn hoá, thể thao quy mô lớn, nhất là SEA Games 31, đã được tổ chức rất thành công. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ đất nước; giữ vững môi trường hòa bình, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Công tác đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực, sôi động, hiệu quả, góp phần bảo đảm và bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Công tác cải cách hành chính, công tác kiểm tra, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đổi mới và tăng cường, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp. |
Những kết quả quan trọng, khá toàn diện với nhiều dấu ấn nổi bật nêu trên tạo thêm thuận lợi, thời cơ để phát triển đất nước. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, thời gian còn lại của năm 2022 và năm 2023 sắp tới, chúng ta tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, có thể làm chậm lại quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Biến động phức tạp, khó lường của tình hình kinh tế và an ninh-chính trị thế giới, những diễn biến mới, phức tạp trong xung đột Nga-Ukraine; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, các yếu tố rủi ro, bất định ngày càng gia tăng; áp lực lạm phát, biến động lãi suất, tỷ giá và nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới, tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng cực đoan hơn… vẫn là những thách thức lớn nhất đối với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế đất nước.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội nghiên cứu thật kỹ các báo cáo, tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội, tập trung thảo luận, phân tích để nhận rõ những kết quả và bài học đã đạt được, những hạn chế, yếu kém, khó khăn, vướng mắc phải tháo gỡ...
Trên cơ sở đó, các đại biểu Quốc hội cần dự báo chính xác tình hình trong nước và thế giới trong thời gian tới để xem xét, quyết định các quan điểm, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế-xã hội, tài chính, ngân sách, đầu tư công cho năm 2023, phương án điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công năm 2023, kế hoạch tài chính trung hạn 3 năm 2023-2025.
Theo chương trình Kỳ họp, dự kiến trong 21 ngày làm việc, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định các nội dung quan trọng. Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, đồng thời thảo luận, cho ý kiến 7 dự án luật khác. Ngoài ra, Quốc hội cũng xem xét, quyết định công tác nhân sự; xem xét, thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV…
Theo nhandan.vn