Triển khai Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

02:09, 09/09/2022

Sáng 9-9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai kế hoạch trọng tâm Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025. Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT chủ trì hội nghị. Tham gia hội nghị tại điểm cầu của  tỉnh có đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành và UBND các huyện, thành phố. 

Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định.
Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định.

Sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình OCOP đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp trên toàn quốc, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, trở thành giải pháp tối ưu trong phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM. Đến ngày 31-8-2022, tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã đánh giá, phân hạng sản phẩm với kết quả: Toàn quốc có 8.478 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên; có 4.351 chủ thể OCOP, trong đó có 38,3% là hợp tác xã, 26,1% là doanh nghiệp, 33,3% là cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Thông qua Chương trình OCOP, nhiều địa phương đã phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch. Đến nay, các địa phương đã đánh giá và công nhận 65 sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, trong đó nhiều vùng đã phát huy được lợi thế về điều kiện tự nhiên, sản xuất nông nghiệp, văn hóa, làng nghề truyền thống để hình thành các điểm du lịch nông thôn đặc sắc. 

Vì vậy, thời gian tới, trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn, xây dựng NTM, Bộ NN và PTNT xác định Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn tiếp tục là các chương trình trọng tâm cần thực hiện. Trong đó, Chương trình OCOP cần tiếp tục thực hiện theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc khó khăn. Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM đến năm 2025 cần tiếp tục hướng đến mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững. 

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, các tỉnh, thành phố cần tổ chức Chương trình OCOP, Chương trình phát triển du lịch nông thôn linh hoạt, phù hợp theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu của địa phương. Đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tập huấn; chú trọng các kỹ năng về tổ chức sản xuất, quản trị, đổi mới, sáng tạo về sản phẩm, quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng quản lý sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các diễn đàn triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc thường niên gắn với văn hóa cấp quốc gia, cấp vùng, địa phương và quốc tế. Nâng cao năng lực hệ thống logistic về nông sản và sản phẩm OCOP nhằm thúc đẩy thương mại, thị trường sản phẩm trong nước và xuất khẩu. 

Đối với Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, kiến thức, hành động cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, người dân, cộng đồng và khách du lịch. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn triển khai chương trình. Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý du lịch, kiến thức thị trường, kỹ năng về hoạt động du lịch, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch cho người lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch ở khu vực nông thôn. Tập trung xây dựng, hình thành "điểm đến" du lịch với các sản phẩm du lịch nông thôn theo các tour, tuyến du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường nông thôn, các đơn vị, doanh nghiệp, làng nghề sản xuất sản phẩm OCOP tiêu biểu. Tổ chức các sự kiện, lễ hội, diễn đàn giới thiệu và kết nối du lịch nông thôn, nông nghiệp; lồng ghép giới thiệu sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các sự kiện quảng bá du lịch Việt Nam, các chương trình kết nối nông sản và chương trình OCOP. 

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Các tỉnh, thành phố chủ động rà soát, xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn. Huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho các chương trình. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ quản lý và thực hiện chương trình. Tích cực ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong quá trình sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường phối hợp liên ngành, liên vùng - miền và hợp tác quốc tế để phát triển sản phẩm OCOP, phát triển du lịch nông thôn nhằm gia tăng giá trị, thu nhập, tạo nguồn lực xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025./.

Tin, ảnh: Văn Đại

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com