Khai mạc Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

07:09, 12/09/2022

Sáng 12-9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 15. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vào tháng tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp.  Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp.

Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trọng tâm của phiên họp lần này chủ yếu tập trung vào công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 4. Trong khoảng 4 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến tập trung vào 2 nhóm vấn đề chính.

Nhóm vấn đề thứ nhất là các nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thường kỳ để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 gồm: dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vấn đề đẩy mạnh công cuộc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề lớn hiện nay, bao trùm từ Trung ương đến địa phương, liên quan đến cả khu vực công và khu vực tư, cũng như trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Về nhóm vấn đề thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về các báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác năm 2022; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án năm 2022.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ liên quan đến tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2022.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung đánh giá công tác tiếp công dân, tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó có so sánh đối chiếu với năm 2021 và giai đoạn 5 năm vừa qua, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong hệ thống chính trị, bảo đảm sự gắn kết, đồng bộ về giải pháp, phương hướng nhằm góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.

Trong phiên họp lần này, Đoàn giám sát sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định ban hành Nghị quyết về công tác giám sát đối với 2 chuyên đề: “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”; “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến ngày 1-7-2021”. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến toàn diện về các dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề, đặc biệt tập trung cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết, bảo đảm đúng trọng tâm, ngắn gọn, dễ hiểu, bám sát quan điểm, phạm vi, mục tiêu.

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung đầu tiên của phiên họp: giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”. Đến nay, cả nước đã giảm được 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện. Tổng số cán bộ, công chức cấp huyện của 21 đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp có mặt tại thời điểm sắp xếp là 2.411 người; số được bố trí theo đúng quy định là 1.705 người; số dôi dư là 706 người. Tổng số cán bộ, công chức cấp xã của 1.056 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp có mặt tại thời điểm sắp xếp là 20.417 người; số được bố trí theo đúng quy định là 10.712 người; số dôi dư là 9.705 người. Việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính nông thôn vào đô thị không chỉ nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế mà còn là cơ hội để mở rộng không gian phát triển đô thị, phát triển kinh tế đô thị, tạo cơ hội cho các đô thị có động lực phát triển. Sau khi sắp xếp, diện tích toàn đô thị và quy mô dân số đô thị tăng lên so với trước. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy hoạch đô thị, Chương trình phát triển đô thị sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính đã được thực hiện theo quy định./.

PV


 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com