Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy, chữa cháy

02:09, 12/09/2022

Ngày 12-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC. Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định có đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban TVTU: Mai Văn Quyết, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Đại tá Trần Minh Tiến, Giám đốc Công an tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành hữu quan.

Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định. Ảnh: Viết Dư

Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định.

Ảnh: Viết Dư

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm (2017-2021), toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy gồm 15.484 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và 1.571 vụ cháy rừng; làm chết 433 người, bị thương 790 người; tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 7.043 tỷ đồng và 7.548ha rừng; ngoài ra đã xảy ra 2.769 vụ sự cố nhỏ liên quan đến cháy; xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết, bị thương 190 người, thiệt hại về tài sản 1,14 tỷ đồng. Trong 8 tháng đầu năm 2022, toàn quốc đã xảy ra 1.136 vụ cháy, làm 57 người chết, bị thương 52 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 532 tỷ đồng và 39ha rừng; ngoài ra xảy ra 2.376 vụ sự cố nhỏ liên quan đến cháy; xảy ra 10 vụ nổ làm 7 người chết, bị thương 11 người. Nguyên nhân cháy chủ yếu do sự cố hệ thống thiết bị điện, chiếm trên 45% tổng số vụ. Cháy lớn xảy ra tập trung tại các tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều khu công nghiệp, khu dân cư tập trung. Cơ sở xảy ra cháy chủ yếu là cơ sở sản xuất, chế biến các mặt hàng dễ cháy, nổ với quy mô, diện tích nhà xưởng lớn trong các khu công nghiệp. Về tình hình cứu nạn, cứu hộ, trong 5 năm, triển khai nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ theo quy định tại Nghị định số 83/2017/NĐ-CP của Chính phủ, lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã điều động 235.208 lượt cán bộ, chiến sĩ và 30.435 lượt phương tiện tham gia tổ chức cứu nạn, cứu hộ đối với 17.938 vụ cháy nổ, sự cố, tai nạn; trực tiếp cứu được 6.786 người, hướng dẫn thoát nạn được hàng chục nghìn người; tìm được 3.350 thi thể nạn nhân bàn giao cho các cơ quan chức năng xử lý…

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành liên quan và địa phương đã nêu lên ưu điểm và hạn chế, tồn tại trong việc xây dựng hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật, trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời, thống nhất 9 nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện hiệu quả công tác PCCC và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong thời gian tới.

Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định. Ảnh: Viết Dư

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định.

Ảnh: Viết Dư

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự nỗ lực, kết quả mà các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng đã đạt được trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế công tác PCCC thời gian qua và nhận định, trong thời gian tới, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn sẽ diễn biến phức tạp, khó lường. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm PCCC và cứu nạn, cứu hộ đảm bảo an toàn cuộc sống nhân dân, phục vụ đắc lực phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 47-CT/TW và Kết luận 02 ngày 18-5-2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC; các văn bản, nghị quyết của Quốc hội; các nghị định, quyết định văn bản có liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cần thiết; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân và trực tiếp phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ; chú ý hoàn thiện quy định về PCCC tại các quán karaoke; tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng để nhân dân tự giác chấp hành pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ; xây dựng phong trào Toàn dân PCCC và cứu nạn, cứu hộ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Các ngành, các địa phương kiện toàn, củng cố các lực lượng tại chỗ làm công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại khu dân cư, cơ sở; tập trung các nguồn lực để xây dựng và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ; xây dựng, kiện toàn lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, tinh thông về pháp luật, nghiệp vụ, kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo đúng tinh thần Nghị quyết 12-NQ/TW của Bộ Chính trị... tạo sự chuyển biến rõ nét, đạt các mục tiêu trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ thời gian tới./.

Xuân Thu

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com