Ngày 20-9, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển. Đồng chí Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương; cùng dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định có đồng chí Trần Anh Dũng, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng.
Đồng chí Trần Anh Dũng, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định. |
Sau gần 5 năm, từ khi Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” với IUU, Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã vào cuộc, nỗ lực khắc phục những nhược điểm khai thác vi phạm các quy định của EC. Quốc hội đã thông qua Luật Thủy sản 2017, Chính phủ ban hành 2 Nghị định, Bộ NN và PTNT ban hành 8 Thông tư hướng dẫn để thực hiện. Theo đó, về cơ sở pháp lý, các văn bản và công tác chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến các địa phương đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế. Ngoài thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, lãnh đạo cấp cao đã tiếp xúc, trao đổi với lãnh đạo cấp cao của EC về cam kết, nỗ lực, quyết tâm chính trị của Việt Nam trong thực hiện IUU. Riêng công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài trên 15m trở lên, hiện cả nước đạt 95,27% số tàu. Cả 28 tỉnh, thành phố ven biển đã tích cực hơn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, trong đó có việc siết chặt kiểm soát tàu cá ra - vào cảng, lao động trên tàu cá, truy xuất nguồn gốc thủy sản trong quá trình khai thác, giám sát sản lượng hải sản trong quá trình bốc dỡ trên cảng… Qua kiểm tra, giám sát, công tác xử phạt hành vi khai thác IUU trên cả nước đã được tăng cường, các vụ vi phạm hàng năm giảm dần; năm 2020, cả nước xử phạt hơn 2.000 vụ vi phạm; năm 2021 xử phạt gần 1.700 vụ và các tháng đầu năm 2022 xử phạt gần 1.000 vụ.
Tuy đạt được nhiều kết quả trong thực hiện chống khai thác IUU, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như khung pháp lý vẫn còn một số bất cập; việc theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá còn nhiều hạn chế; tỷ lệ hải sản được truy xuất nguồn gốc còn thấp; thiết bị, hạ tầng nghề cá còn hạn chế, gây khó khăn trong thực hiện các giải pháp ngăn chặn khai thác IUU…
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định vai trò lãnh đạo và quyết tâm của Đảng, Quốc hội, Nhà nước trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác IUU; lãnh đạo Nhà nước cũng có nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc với lãnh đạo các nước trong EC, mong sớm được tháo gỡ “thẻ vàng”, tạo sự phát triển bền vững cho ngư dân. Những kết quả đạt được thời gian gần đây là đáng ghi nhận, song trên thực tế vẫn còn một số tồn tại lớn cần tháo gỡ ngay như: việc đăng ký cấp phép tàu cá chưa đạt yêu cầu; tiến độ lắp đặt giám sát hành trình tàu cá giai đoạn cuối còn chậm; số vụ khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài ngày càng tăng, đã có hơn 700 ngư dân bị các nước bắt giữ. Nếu những tồn tại lớn này không khắc phục được ngay, thời gian tới thủy sản Việt Nam còn có thể bị EC rút “thẻ đỏ” sẽ vô cùng khó tháo gỡ, không thể xuất khấu được vào thị trường châu Âu - một thị trường lớn của thủy sản Việt Nam.
Ngày 19-10-2022, đoàn công tác của EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra, các bộ, ngành, địa phương phải nghiêm túc chấp hành các văn bản chỉ đạo từ Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chống khai thác IUU. Trong những ngày tới, các địa phương phải khẩn trương ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện các giải pháp cấp bách chống khai thác IUU. Cùng với đó, phải tổ chức các đoàn kiểm tra để phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, những tàu không đăng ký cấp phép, chưa lắp thiết bị giám sát hành trình. Từng địa phương phải thành lập các kịch bản tiếp đón đoàn công tác EC sẽ đi kiểm tra ngẫu nhiên. Chính phủ giao Bộ NN và PTNT phối hợp với các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển tuần tra phát hiện, ngăn chặn các hoạt động khai thác trái phép; đồng thời hướng dẫn ngư dân khai thác trên biển thực hiện đúng các quy định. Tất cả các bộ, ngành, địa phương phải coi đây là nhiệm vụ cấp bách, đồng thời là nhiệm vụ lâu dài, vì sự phát triển bền vững của nghề biển./.
Tin, ảnh: Thành Trung