* Nam Định tiếp tục giữ vị trí 11 trên bảng xếp hạng DTI 2021
Sáng 8-8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp lần thứ 3 của Ủy ban. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban; các đồng chí Ủy viên Ủy ban.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Dương Giang - TTXVN |
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp các cấp, các ngành thay đổi phương thức và nâng cao năng lực quản lý điều hành. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là phù hợp với phẩm chất, năng lực con người Việt Nam cần cù, ham học hỏi, linh hoạt, và sáng tạo.
Tiến trình chuyển đổi số trong nước đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng ở các ngành, địa phương. Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chuyển đổi số trở thành đòi hòi bức thiết của các cấp, các ngành, các địa phương và người dân, doanh nghiệp để vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng nêu rõ, chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là công việc phải thường xuyên, liên tục theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và quyết liệt triển khai. Vấn đề đặt ra cho chúng ta phải đẩy mạnh chuyển đổi số một cách nhanh chóng, hiệu quả và thực chất, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, bảo đảm hiệu quả, tránh dàn trải. Các bộ, ngành, địa phương cần chấm dứt tình trạng dàn trải, kéo dài, đội vốn.
Nhiệm vụ của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số là rất nặng nề; chúng ta phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam. Thủ tướng đề nghị Bộ Công an, các bộ, ngành, một số doanh nghiệp phối hợp tốt nhằm khai thác các dữ liệu cơ bản dùng chung.
Trong Phiên họp này, Thủ tướng đề nghị cần thẳng thắn đánh giá rõ ràng, khách quan, minh chứng bằng số liệu cụ thể về việc thực hiện nhiệm vụ thời gian qua; lưu ý đánh giá cả những nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ủy ban và những nhiệm vụ được giao tại Phiên họp lần trước.
Về tình hình thực hiện công tác chuyển đổi số 6 tháng qua, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 11,27% (kế hoạch là 7%); tỷ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán đạt 66% (vượt 1%); tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 70,91% (kế hoạch 85%); tỷ lệ hộ gia đình có internet cáp quang băng rộng là 71,75% (kế hoạch 75%)… Các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng 477/832 thôn lõm sóng viễn thông.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp các bộ, ngành phát triển 50 nền tảng số, trong đó có 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ kinh tế số và 16 nền tảng phục vụ xã hội số…
Sáng 8-8, tại phiên họp lần thứ 3 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số - DTI 2021 ba cấp (cấp tỉnh, cấp bộ và cấp quốc gia) năm 2021.
Theo báo cáo, kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số - DTI năm 2021 cấp tỉnh, Nam Định tiếp tục giữ vững vị trí 11/63 tỉnh, thành (tương đương kết quả năm 2020) với tổng giá trị đạt 0,4885 điểm. Tuy nhiên tính trên điểm tổng thể, cả 3 trụ cột đều hạ bậc so với năm 2020 gồm: chính quyền số đạt 0,5102 điểm, xếp hạng 17/63, hạ 3 bậc; xã hội số đạt 0,4514 điểm, xếp hạng 21/63, hạ 16 bậc; chỉ số kinh tế số đạt 0,4443 điểm, xếp hạng 26/63, hạ 2 bậc so với năm 2020.
Năm nay là lần thứ 2 Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức xác định và công bố kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương. So với lần đánh giá đầu tiên, bộ tiêu chí đánh giá đã được cập nhật, bám sát hơn với chương trình chuyển đổi số quốc gia và các chiến lược phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Kết quả đánh giá chuyển đổi số hàng năm giúp các tỉnh, thành phố soi chiếu những điểm mạnh cần phát huy, những điểm yếu cần khắc phục và tiếp nhận các thông tin hỗ trợ tỉnh và các cơ quan chức năng áp dụng giải pháp phù hợp để hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số của địa phương./.
PV và Thanh Thúy