Ngày 23 tháng 8 năm 2022, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh (Ban Chỉ đạo) tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố về tình hình triển khai công tác phòng, chống dịch và công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19. Đồng chí Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh chủ trì Hội nghị, cùng tham dự có đồng chí Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đồng chí Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí đại diện các Sở, ngành là thành viên Ban chỉ đạo của tỉnh: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; tham dự điểm cầu tại các địa phương có các đồng chí Chủ tịch UBND, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các huyện, thành phố. Sau khi nghe đồng chí Giám đốc Sở Y tế báo cáo, ý kiến tham gia của các đại biểu, địa phương, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thống nhất kết luận:
Những tháng vừa qua, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát tốt, số ca nhiễm bình quân ở mức thấp, từ ngày 09/4/2022 đến nay không ghi nhận trường hợp tử vong. Ủy ban nhân dân tỉnh ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, quyết tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch của các cấp, các ngành, các địa phương; đặc biệt là sự đồng tình, ủng hộ, ý thức chấp hành, sự chủ động của người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh được dự báo vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, với sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới; số ca nhiễm có xu hướng tăng trong tuần qua (ngày 23/8/2022 đã ghi nhận 85 ca mắc cao nhất trong vòng 3 tháng qua). Tiến độ tiêm vắc xin ở một số địa phương chưa đảm bảo kế hoạch; cùng với đó là nguy cơ suy giảm khả năng bảo vệ của vắc xin theo thời gian.
Để tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tập trung chỉ đạo tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 18 tuổi trước khi vào năm học mới, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tập trung thực hiện môt số nhiệm vụ sau:
1. Tiếp tục thực hiện nghiêm, thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương; nhất là thực hiện Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ và Kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 28/3/2022 của UBND tỉnh về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19. Chủ động chỉ đạo triển khai các phương án phòng, chống dịch theo thẩm quyền được giao và chịu trách nhiệm trước pháp luật, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ được phân công theo Quy chế làm việc của UBND tỉnh.
2. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nam Định, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhất là tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh xã để người dân nâng cao ý thức tự giác, có trách nhiệm với chính mình, với gia đình và cộng đồng trong việc phòng, chống dịch. Tuyên truyền, vận động người dân chủ động đi tiêm vắc xin khi đến thời hạn tiêm; tiêm chủng vắc xin phòng ngừa dịch bệnh là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân.
3. Về tiêm vắc xin phòng COVID-19
- Sở Y tế, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để mời người dân đi tiêm vắc xin đảm bảo đạt tỷ lệ bao phủ cao nhất, sớm nhất; không để bỏ sót người đủ điều kiện tiêm mà không được tiêm vắc xin. Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để vắc xin quá hạn.
- Các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân trên 18 tuổi tiêm mũi 4 vắc xin phòng COVID-19.
- Đối với trẻ em từ 5 đến 17 tuổi:
+ Đảm bảo hoàn thành tiêm mũi 1, 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và mũi 3 đối với trẻ em từ 12 đến 17 tuổi trước ngày 31/8/2022.
+ Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có văn bản chỉ đạo các nhà trường; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh, người giám hộ về lợi ích, sự an toàn, cần thiết của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19. Chỉ đạo tổ chức tiêm vắc xin cho học sinh đảm bảo an toàn, thuận lợi, hiệu quả.
- Sở Y tế chịu trách nhiệm phân bổ đủ số lượng vắc xin cho các huyện, thành phố. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm đảm bảo tiến độ, mục tiêu bao phủ vắc xin trên địa bàn.
4. Sở Y tế tăng cường giám sát, phòng chống dịch COVID-19
- Theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh kịp thời thực hiện các hướng dẫn về chuyên môn và tham mưu biện pháp phòng, chống dịch. Nâng cao năng lực giám sát dịch tễ, năng lực đánh giá, phân tích, dự báo tình hình và thường xuyên cập nhật, đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh.
- Thường xuyên hướng dẫn, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thực hiện giám sát thường xuyên, định kỳ và cập nhật, đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19.
5. Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh (đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố:
- Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động công nhân, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hưởng ứng tham gia tiêm vắc xin đầy đủ, đúng quy định.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thường xuyên cập nhật phương án phòng chống dịch, đánh giá công tác phòng, chống dịch tại đơn vị và chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
6. Đảm bảo hậu cần trong phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh cho nhân dân:
- Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo rà soát, chủ động mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, kít xét nghiệm, phương tiện phòng hộ... đảm bảo cho các tình huống trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Việc tổ chức mua sắm, sử dụng kinh phí phòng chống dịch thực hiện đúng các quy định của pháp luật; đảm bảo công khai minh bạch, tuyệt đối không để xảy ra trục lợi, tiêu cực.
- Sở Y tế căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế và các Bộ ngành Trung ương và các quy định của pháp luật khẩn trương chỉ đạo các biện pháp để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế.
- Sở Tài chính hướng dẫn thủ tục mua sắm, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc tổ chức mua sắm trang thiết bị y tế, sử dụng kinh phí phòng, chống dịch tại các đơn vị.
Các Sở, ban, ngành, các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện nghiêm các nội dung tại Thông báo này./.