Khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

09:08, 15/08/2022

Sáng 15-8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8-2022 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Dự phiên khai mạc có các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp.  Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp.

Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên họp chuyên đề về công tác lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra trong 4 ngày làm việc, sẽ xem xét 11 dự án luật, pháp lệnh và nghị quyết. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 5 dự án Luật đã trình với Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 và dự kiến sẽ xem xét và biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 4 gồm: dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Cả 5 dự án luật này đều đã được cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra chuẩn bị một cách rất kỹ lưỡng và cho ý kiến tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và khi trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 cũng đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan tập trung cho ý kiến vào những vấn đề, nội dung còn có ý kiến khác nhau như: cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, kinh nghiệm quốc tế, nhu cầu thực tiễn… để tiếp tục làm sâu sắc và hoàn thiện hơn dự án luật.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 3 dự án luật trình Quốc hội lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 4 gồm: dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), dự án Luật Phòng thủ dân sự, và dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến và xem xét thông qua theo quy trình rút gọn dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Nhấn mạnh đây là dự án Pháp lệnh rất quan trọng thuộc thẩm quyền xem xét và quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Hiến pháp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tham gia tập trung cho ý kiến chi tiết và cụ thể đối với dự án pháp lệnh.

Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết Hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân và dự thảo Nghị quyết về ban hành Nội quy của kỳ họp (sửa đổi).

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Trong phiên họp chiều 15-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Theo Tờ trình tóm tắt dự án Luật của Chính phủ, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 1-7-2011, sau gần 12 năm thực thi đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kiến tạo các khuôn khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục phát triển hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam thời gian tới.

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, Luật bộc lộ tồn tại, hạn chế, gồm các vấn đề liên quan đến tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, sự thay đổi của thực tiễn sản xuất, kinh doanh, những yêu cầu, xu thế mới về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) xác định các nguyên tắc cơ bản: bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của xã hội, bảo đảm cân bằng trong giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Để chuẩn bị cho quá trình xây dựng dự án Luật, từ tháng 1 đến tháng 5-2022, Bộ Công Thương đã tiếp nhận ý kiến đóng góp của 21 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 54 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng như ý kiến đóng góp của nhiều công ty luật, doanh nghiệp, Hội Bảo vệ người tiêu dùng, tổ chức quốc tế, chuyên gia, cá nhân, tổ chức trong, ngoài nước.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: dự án Luật hiện có 7 Chương, 80 Điều. Cụ thể, ngoài việc bổ sung thêm một Chương mới về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh, dự án Luật còn có thêm quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ngoài ra, dự án Luật cũng bổ sung quy định về một số giao dịch đặc thù, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng; hoàn thiện quy định về tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.

PV

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com