Sáng 12-8, Bộ GD và ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành của Trung ương và 64 điểm cầu trên cả nước.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định có các đồng chí: Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo Sở GD và ĐT, các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; lãnh đạo các trường đại học trên địa bàn tỉnh.
Các đồng chí: Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định. |
Năm học 2021-2022, là năm học đầu tiên ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tiếp tục thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giáo dục và đào tạo. Đây là năm học thứ hai ngành Giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt đời sống xã hội, trong đó có giáo dục và đào tạo.
Để ứng phó với dịch COVID-19, ngành Giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động, tổ chức dạy học linh hoạt theo khung kế hoạch năm học, hướng dẫn tinh giản chương trình, chuẩn bị các điều kiện chuyển dạy trực tuyến nhằm ứng phó với tình hình dịch bệnh. Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình GDPT mới; chất lượng GDPT cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên. Chất lượng giáo dục đại học có những cải thiện rõ rệt; tiếp tục thực hiện tự chủ đại học. Toàn ngành đã tăng cường chuyển đổi số và đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng hạ tầng học tập quốc gia; xây dựng kho học liệu số; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học trực tuyến, trên truyền hình và kiểm tra, đánh giá học sinh trong bối cảnh dịch COVID-19.
Chủ đề năm học 2022-2023 là “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”. Ngành GD và ĐT tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý; chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, GDPT và giáo dục thường xuyên. Xây dựng quy hoạch mạng lưới và đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục; đẩy mạnh các phong trào thi đua trong toàn ngành; tăng cường công tác truyền thông giáo dục.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương ngành Giáo dục đã có nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn dịch bệnh, hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022. Đồng chí nhấn mạnh, ngành Giáo dục cần tiếp tục bám sát Nghị quyết 29 để đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo. Dạy và học cần thực chất, phát triển cho học sinh cả đức - trí - thể - mỹ; việc đưa môn Giáo dục thể chất, Mỹ thuật, Âm nhạc vào trường phổ thông là rất quan trọng. Các địa phương cần huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó ngành Giáo dục cần tiếp tục thực hiện quyết liệt đổi mới quản lý nhà nước, đổi mới về quản trị trong từng trường học, xây dựng môi trường văn hóa, dân chủ trong trường học./.
Tin, ảnh: Minh Tân