Quốc hội thông qua 2 Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề năm 2023

06:06, 14/06/2022

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, sáng 14-6 các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. 

Toàn cảnh phiên họp.  ảnh: quochoi.vn

Toàn cảnh phiên họp.

Ảnh: quochoi.vn

Theo cơ quan soạn thảo, phương pháp tiếp cận, cách thiết kế của dự án luật này lấy vai trò chủ thể chủ đạo, trung tâm là nhân dân. Qua thảo luận, ý kiến của các đại biểu Quốc hội nhất trí cao sự cần thiết phải ban hành dự án Luật quan trọng này; thống nhất với nhiều nội dung cơ bản của dự án Luật. Đồng thời, các đại biểu cũng phân tích, làm rõ thêm để nâng cao chất lượng, tính đồng bộ, bảo đảm tính thống nhất, khả thi của các quy định trong dự thảo Luật này với các luật khác.

Giải trình tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là một dự án Luật khó, đối tượng tác động rộng, đa dạng, nhiều chủ thể; cũng là một dự án Luật quan trọng, có ý nghĩa chính trị xã hội hết sức sâu sắc. Phương pháp tiếp cận, cách thiết kế của dự án Luật này đã lấy vai trò chủ thể chủ đạo, trung tâm là nhân dân.

Đây cũng là một dự án Luật liên quan rất nhiều luật hiện hành, do đó cần đảm bảo thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo, không trùng lặp và không xung đột với các văn bản luật hiện hành. Do đó, cơ quan soạn thảo phải tính toán, cân nhắc để đảm bảo được tính khoa học, khả thi, dễ tiếp cận và từ đó để dự án Luật này thực chất hơn, khả thi hơn. Đối với việc thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp được nhiều đại biểu cho ý kiến, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, nội dung này là kế thừa các quy định trước đó và không làm thay đổi bản chất quan hệ lao động, không làm ảnh hưởng, xung đột các bộ luật, không mâu thuẫn với các điều ước quốc tế về lao động Việt Nam tham gia và bảo đảm đưa mối quan hệ hài hòa, hợp tác phát triển. Nếu doanh nghiệp làm tốt thì là biện pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và là cơ chế để hỗ trợ, thúc đẩy cho doanh nghiệp phát triển.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa và nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật cũng như các cơ quan của Quốc hội. Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và tiếp tục phối hợp với các chuyên gia, các nhà khoa học và đại diện các nhóm chủ thể tác động để đánh giá bổ sung, hoàn thiện thêm dự án Luật.

Tiếp theo, 454/474 đại biểu Quốc hội (91,16%) biểu quyết tán thành thông qua dự án Luật Cảnh sát cơ động. Luật Cảnh sát cơ động được thông qua gồm 5 chương, 33 điều, trong đó quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động như kinh phí, cơ sở vật chất, ưu tiên đầu tư trang bị hiện đại, nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ cho các hoạt động của Cảnh sát cơ động; quản lý Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Cảnh sát cơ động.

Cũng trong buổi sáng, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua 2 nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023. Với 475 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, trong đó có 469 đại biểu tán thành (chiếm 94,18% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Với 471 đại biểu tham gia biểu quyết, có 465 đại biểu tán thành (chiếm 93,37% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”. Cả 2 Nghị quyết trên đều có hiệu lực thi hành kể từ ngày được Quốc hội thông qua.

Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com