Chủ động phòng trừ sâu bệnh cuối vụ

05:05, 26/05/2022

Đến nay, lúa xuân toàn tỉnh đã trỗ được 60.500ha, dự kiến đến ngày 28-5 lúa xuân của tỉnh sẽ cơ bản trỗ bông xong. Hiện nay, nguồn rầy lứa 3 (chủ yếu rầy nâu) đang tuổi 4, 5, trưởng thành cánh cộc. Rầy trưởng thành đang đẻ trứng và rầy cám bắt đầu nở. Tuy nhiên, một số diện tích do phun rầy lứa 2 chưa tốt nên mật độ rầy nơi cao 3.000-5.000 con/m2. Thời gian tới, thời tiết nắng nóng, kết hợp có mưa xen kẽ rất thuận lợi cho rầy phát sinh và gia tăng mật độ, nhất là ở các huyện phía nam tỉnh. Dự kiến, toàn tỉnh có khoảng 14 nghìn ha cần trừ rầy. Một số nơi có nguy cơ bị cháy rầy vào giữa tháng 6 nếu không phun trừ kịp thời. Ngoài ra lúa cỏ (lúa ma), cỏ đuôi phụng, cỏ lồng vực đã xuất hiện và gây hại trên ruộng lúa tại nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Xuân Trường. Tỷ lệ cỏ nơi cao 5-7%, cá biệt từ 30%, cần tổ chức theo dõi để xử lý kịp thời, hạn chế sự phát sinh gây hại trong vụ mùa 2022. 

Để bảo vệ an toàn sản xuất vụ xuân 2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị Phòng NN và PTNT, Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố và Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, phát động nông dân tự kiểm tra đồng ruộng để xác định và khoanh vùng diện tích nhiễm rầy mật độ cao; chú ý kiểm tra ở những vùng thường xuyên bị nhiễm rầy ở các vụ trước để phun trừ kịp thời, hiệu quả, tránh phun thuốc tràn lan gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Tổ chức phun trừ rầy lứa 3 tập trung từ ngày 27-5 đến 7-6 cho những diện tích có mật độ rầy lớn hơn 50 con/khóm, khi rầy ở tuổi 1-3. Sử dụng các loại thuốc nội hấp (không phải rẽ hàng), có hoạt chất Nitenpyram, hoạt chất khác. Phun đúng, đủ liều lượng thuốc, đảm bảo 32-48 lít nước thuốc/sào. Sau phun thuốc 3 ngày cần kiểm tra lại, nếu mật độ rầy còn hơn 50 con/khóm phải phun lại. Trường hợp lúa chín hơn 80% mà có mật độ rầy cao nên gặt “chạy rầy”. Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, đen lép hạt và sâu cuốn lá nhỏ lứa 3 tiếp tục phòng trừ theo chỉ đạo tại Công điện số 978/CĐ-SNNPTNT ngày 16-5-2022 của Sở NN và PTNT. Đối với bệnh bạc lá, khi phát hiện lúa bị bệnh, phải giữ nước trong ruộng, không phun thuốc kích thích sinh trưởng, không nên phun thuốc trừ bệnh. Đối với lúa cỏ, cỏ đuôi phụng, cỏ lồng vực, tăng cường điều tra phát hiện để nhổ bỏ, tiêu hủy triệt để, không để trên ruộng, bờ ruộng, kênh mương, diệt nguồn lây lan cho vụ sau. Phát động nông dân cắt bỏ các bông lúa ma, cỏ đuôi phụng, cỏ lồng vực đem tiêu hủy hoặc làm thức ăn cho gia súc ở giai đoạn lúa trỗ bông - ngậm sữa và khi lúa sắp thu hoạch, tránh để hạt cỏ rụng xuống đất, lây nhiễm cho vụ sau. Hạn chế sự lây lan từ vùng này sang vùng khác qua khâu thu hoạch và nguồn nước. Những diện tích nhiễm nặng lúa cỏ trên 75% cần cắt, tiêu hủy toàn bộ cây lúa hoặc làm thức ăn cho gia súc, tránh để hạt lúa cỏ rơi rụng trên ruộng; đưa nước vào ruộng sau đó tiến hành cày lật gốc, sử dụng chế phẩm vi sinh AT-YTB để phân hủy nhanh phế phụ phẩm tại đồng ruộng, kết hợp ngâm dầm cho thối gốc rạ, hạt lúa cỏ, không để gốc lúa cỏ tái sinh trở lại hoặc thả vịt vào ruộng cho ăn bớt hạt lúa cỏ. Đối với ruộng gặt máy nên thu gom rơm rạ lại rồi sử dụng chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma, chế phẩm vi sinh Sumitri… để phân hủy Cellulose trong rơm, rạ. 

Chỉ đạo các cơ quan chức năng, nhất là UBND cấp xã tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn. Chỉ đạo, khuyến cáo các cửa hàng, đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật chỉ cung ứng những loại thuốc có trong danh mục và theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật./.

Văn Đại

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com