Sáng 21-4, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) và CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương các CTMTQG chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Nam Định có đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành hữu quan của tỉnh.
Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta. |
Giai đoạn 2016-2020, công tác quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện 2 CTMTQG từ Trung ương đến địa phương đã có những bước chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. Bộ máy quản lý, điều hành thực hiện CTMTQG các cấp đã được kiện toàn và có tính thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Công tác lập kế hoạch thực hiện có tầm nhìn trung hạn gắn giữa kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm. Hệ thống thông tin giám sát, theo dõi và đánh giá đã được thiết lập tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Công tác truyền thông về các CTMTQG tiếp tục được chú trọng, vừa kế thừa, vừa đổi mới đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong thực tiễn... Tuy nhiên, việc quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các CTMTQG ra vẫn còn những hạn chế. Công tác huy động và sử dụng nguồn lực chưa thực sự tạo được cơ chế khuyến khích những địa phương đạt kết quả tốt. Phân bổ nguồn lực chỉ dựa vào định mức chưa dựa trên kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và kết quả sử dụng nguồn lực hàng năm. Tỷ lệ các chương trình giao cấp xã làm chủ đầu tư mới đạt khoảng trên 60% và chủ yếu phân cấp đối với thi công công trình thực hiện xây dựng NTM. Năng lực của cán bộ làm công tác quản lý điều hành CTMTQG ở cấp huyện, cấp xã còn yếu; xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, điều hành còn chậm tiến độ; thiết kế chính sách đặc thù hỗ trợ công tác giảm nghèo chưa thực sự phù hợp với đặc điểm điều kiện của từng vùng, địa phương...
Trong giai đoạn 2021-2025, Quốc hội đã thông qua kế hoạch thực hiện ba CTMTQG; Chính phủ đã xây dựng nghị quyết về cơ chế quản lý tổ chức thực hiện các CTMTQG từ giai đoạn 2021-2025. Trong năm 2022 các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hệ thống cơ chế, chính sách các chương trình dự án được thực hiện các CTMTQG; xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn làm cơ sở để các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chủ động thực hiện kế hoạch triển khai. Các tỉnh, thành phố khẩn trương trình HĐND phê duyệt kế hoạch thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025. Các bộ, ngành tập trung hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai đồng bộ và có hiệu quả các nội dung nhiệm vụ của từng chương trình. Triển khai các giải pháp huy động bổ sung nguồn lực thực hiện các chương trình; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị các bộ, ngành, địa phương tổ chức quán triệt, tập trung nâng cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc thực hiện các CTMTQG. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ thực hiện các chương trình; lồng ghép các hợp phần của các chương trình tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, cộng đồng. Bộ NN và PTNT, Bộ LĐ-TB và XH phối hợp các bộ, ngành liên quan tiếp thu các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương để xây dựng, sớm ban hành thông tư hướng dẫn để thúc đẩy thực hiện CTMTQG theo các tiêu chí đã được phê duyệt của giai đoạn 2021-2025 và năm 2022. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan cần quán triệt thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, các dự án, chương trình chuyên đề phải được thẩm định phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư và các văn bản liên quan đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ phân bổ. Các tỉnh, thành phố phải nhanh chóng triển khai phân bổ, huy động nguồn lực và có kế hoạch chuẩn bị nguồn vốn đối ứng để thực hiện chương trình hiệu quả. Triển khai huy động tối đa các nguồn lực, nhất là vốn ODA, để bố trí thực hiện các CTMTQG. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong thực hiện các nội dung các CTMTQG để bảo đảm tiến độ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá về việc hoàn thành các mục tiêu đề ra./.
Tin, ảnh: Văn Đại