Chiều 20-4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến vào dự án Luật Cảnh sát Cơ động (CSCĐ). Đồng chí Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo: Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp, Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Pháp chế HĐND tỉnh.
Dự án Luật CSCĐ gồm 5 Chương, 33 điều sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV. Tại hội nghị, các đại biểu đều đánh giá vai trò của CSCĐ là lực lượng có tính chất đặc thù so với các lực lượng khác trong Công an nhân dân với tính chất cơ động nhanh, giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, bạo loạn vũ trang, khủng bố, bắt cóc con tin, trấn áp các loại tội phạm nguy hiểm có sử dụng vũ khí, giải tán các vụ gây rối, biểu tình nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Đại diện Công an tỉnh khẳng định, việc ban hành Luật CSCĐ là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đại diện Công an tỉnh đóng góp ý kiến vào điều 5, nhấn mạnh theo chủ trương của Đảng về xây dựng một số lực lượng trong đó có CSCĐ sẽ tiến thẳng lên hiện đại. Vì thế, cần quy định cụ thể trong Luật về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tuyển chọn, chế độ chính sách để ưu tiên xây dựng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, làm cơ sở pháp lý cho tương lai, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đóng góp ý kiến vào điều 10 của dự án. Hiện nay, Bộ Quốc phòng là cơ quan được giao thống nhất quản lý, điều hành, giám sát hoạt động bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và vật liệu nổ. Vì thế, nếu quy định CSCĐ cũng tham gia ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ sẽ tạo ra sự chồng chéo trong công tác quản lý Nhà nước. Đồng thời, để thực hiện được quy định này sẽ đòi hỏi nguồn kinh phí lớn để đầu tư, trang bị, đào tạo cùng số lượng không nhỏ lực lượng CSCĐ, như vậy là không phù hợp với chủ trương tinh giản bộ máy Nhà nước. Tại điểm a, khoản 4, điều 12 đã quá mở rộng thẩm quyền của CSCĐ, do đó cần nghiên cứu, quy định rõ hơn về thẩm quyền, trách nhiệm và mối quan hệ của CSCĐ trong quá trình thực thi nhiệm vụ, tránh chồng chéo. Đại diện Sở Tư pháp đóng góp ý kiến vào khoản 2, điều 9 và khoản 3, điều 9, đề nghị cơ quan soạn thảo chỉ nên liệt kê nhiệm vụ của CSCĐ, không nên thiết kế biện pháp công tác nhằm phù hợp với điều 14 của dự án Luật…
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp thu toàn bộ ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị liên quan để trình cơ quan soạn thảo và Quốc hội xem xét, cho ý kiến, bảo đảm Dự án Luật khi được thông qua, đi vào cuộc sống sẽ đáp ứng ngày càng tốt hơn hiệu quả, hiệu lực hoạt động của CSCĐ trong tình hình mới./.
Xuân Thu