Công khai số điện thoại của các Trạm y tế lưu động để kịp thời hỗ trợ người nhiễm COVID-19

06:03, 02/03/2022

Ngày 02 tháng 3 năm 2022, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh (Ban chỉ đạo) tổ chức Hội nghị trực tuyến về tình hình công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban chỉ đạo của tỉnh chủ trì hội nghị, cùng tham dự có các đồng chí đại diện các sở, ngành là thành viên Ban chỉ đạo của tỉnh: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Văn hóa thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Văn phòng UBND tỉnh và các đồng chí Bí thư Huyện ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố. Sau khi nghe đồng chí Giám đốc Sở Y tế báo cáo, ý kiến của đại biểu các Sở, ngành, các huyện, thành phố, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban chỉ đạo của tỉnh kết luận:

Tinh hình dịch COVID-19 trên địa bản tỉnh diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm tăng nhanh, bình quân ghi nhận trên 2.500 ca/ngày (tuần trước bình quân 1.500 ca/ngày); dự báo trong thời gian tới, việc mở cửa các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế trở lại có thể tiếp tục ghi nhận chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng, sẽ làm gia tăng số ca nhập viện, tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến nhóm đối tượng nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền). Để chủ động kiểm soát tình hình dịch COVID-19, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban chỉ đạo của tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành chỉ đạo quyết liệt, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch sau:

1. Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và UBND tỉnh; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng phải bình tĩnh, bản lĩnh trong triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

2. Tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nhất là tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn để nâng cao cảnh giác, chủ động phòng, chống dịch của người dân, tự theo dõi sức khỏe và thực hiện nghiêm 5K; tham gia tiêm vắc xin đầy đủ , không vì đã tiêm vắc xin mà lơ là, chủ quan trọng phòng, chống dịch. Thực hiện thông thoáng nhà ở, nơi làm việc để giảm nguy cơ lây nhiễm. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác ...) thì báo ngay cơ quan y tế để được hỗ trợ, tư vấn, theo dõi, xử trí kịp thời.

3. Về triển khai công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19

- Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm về chỉ đạo triển khai, đẩy mạnh và thần tốc hơn nữa việc tổ chức tiêm vắc xin mũi 3 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, hoàn thành trước 25/3/2022, báo cáo kết quả về UBND tỉnh, Sở Y tế trong ngày 26/3/2022. Sở Y tế chịu trách nhiệm phân bổ đủ số lượng vắc xin cho các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm đảm bảo tiến độ, mục tiêu bao phủ vắc xin trên địa bàn.

- Các huyện, thành phố thông báo công khai điểm tiêm cố định trên hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác đi tiêm chủng khi đến thời hạn tiêm vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng. Bố trí các điểm tiêm lưu động tại nhà cho những trường hợp khó khăn trong việc di chuyển, không đến được địa điểm tiêm tập trung.

- Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, nhân lực để tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi khi có hướng dẫn của Bộ Y tế.

4. Về công tác theo dõi, điều trị người mắc COVID-19

4.1 Sở Y tế :

- Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh triển khai điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong. Thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến; tổ chức thu dung, chăm sóc, điều trị hiệu quả; bảo đảm đủ thuốc, sinh phẩm, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trạng bị phòng hộ ..., đặc biệt là ô xy y tế tại các cơ sở điều trị. Tăng cường việc kết nối, hội chẩn, theo dõi, tư vấn điều trị từ xa. Không để xảy ra tình trạng người mắc COVID-19 không liên hệ được với cơ sở y tế, không được quản lý, theo dõi y tế, cấp phát thuốc điều trị.

- Triển khai tập huấn, phổ biến và hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 ở trẻ em theo Quyết định số 405/QĐ-BYT ngày 22/02/2022 của Bộ Y tế. Xây dựng phương án sẵn sàng thu dung, quản lý, chăm sóc điều trị trẻ em mắc COVID-19.

4.2. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo nâng cao năng lực y tế cơ sở; có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Đảm bảo đầy đủ các điều kiện vận hành các cơ sở thu dung điều trị, bệnh nhân COVID-19 nhẹ có triệu chứng và mức độ vừa.

Tăng cường quản lý, giám sát, hướng dẫn, tư vấn việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe, xử lý các tình huống đối với các trường hợp mắc COVID-19 điều trị tại nhà.

Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, qua hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn số điện thoại của các Trạm Y tế lưu động. Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà để người dân kịp thời liên lạc, tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất.

Chỉ đạo xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện nghiêm việc thu gom, xử lý xử lý chất thải y tế đối với F0 cách ly tại nhà, nơi lưu trú theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Y tế, đảm bảo không phát tán mầm bệnh trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh tại nơi cách ly, điều trị F0 tại nhà.

5. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng, quản lý thị trường và các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết các loại thuốc, sinh phẩm, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trạng bị phòng hộ, kít test COVID-19 ... phát hiện các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán bất hợp lý. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.

6. Tổ chức dạy học tại các cơ sở giáo dục

- Chuyển hình thức dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến đối với học sinh từ lớp 1 đến lớp 6; học sinh mầm non tạm dừng đến trường kể từ ngày 03/3/2022 cho đến khi có thông báo mới.

- Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố căn cứ vào việc đánh giá cấp độ dịch chủ động các biện pháp xử tri khi có các trường hợp F0, F1 theo quy định của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo tại các cơ sở giáo dục để triển khai việc tổ chức dạy học phù hợp, tránh xử lý cực đoan; đảm bảo an toàn trong, phòng chống dịch, tạo sự yên tâm, đồng thuận cho học sinh đến trường an toàn.

7. Các huyện, thành phố chủ động huy động nguồn lực từ ngân sách huyện, thành phố và nguồn lực xã hội hóa để mua vật tư y tế, như: Test nhanh kháng nguyên, quần áo bảo hộ... phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Các Sở, ban, ngành, các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện nghiêm các nội dung tại Thông báo này..



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com