Theo Bộ Y tế, từ tháng 2-2022, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế)ký quyết định ban hành Danh mục 3 loại thuốc chứa Molnupiravir sản xuất trong nước, được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam.
Tính tới thời điểm hiện tại, Cục Quản lý Dược đã cấp phép nhập khẩu 37.610.540 viên Molnupiravir để phục vụ cho nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng (khoảng 940 nghìn liệu trình điều trị). Cùng năng lực sản xuất của 3 đơn vị trong nước đã được cấp phép, tổng công suất sản xuất thuốc Molnupiravir có thể đạt 280 triệu viên/tháng tương ứng với 11 triệu liệu trình/tháng.
Theo số liệu tính toán của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, số ca mắc COVID-19 mức độ nhẹ/tháng là 1.116.000 ca/tháng, ước tính 30% số bệnh nhân này phải dùng thuốc kháng virus và nếu dùng toàn bộ Molnupiravir thì nhu cầu Molnupiravir là 334.800 liệu trình/tháng. Như vậy, sản xuất trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu điều trị và giá thành hiện tại cho 1 liệu trình điều trị khoảng 300 nghìn đồng (hiện rẻ nhất so các nước khác trên thế giới).
Để có nhiều nguồn cung thuốc kháng virus điều trị COVID-19 bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả, kịp thời cho nhu cầu của cơ sở khám chữa bệnh theo cơ chế cấp phát miễn phí cho người bệnh và theo hình thức người bệnh tự chi trả, duy trì tính cạnh tranh, hạ giá thành thuốc lưu hành trên thị trường, Bộ Y tế sẽ thông báo công khai và hướng dẫn các đơn vị nhập khẩu nộp hồ sơ theo Điều 66 của Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định cấp phép nhập khẩu thuốc chứa dược chất đã có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị. Đồng thời, Bộ Y tế cũng tiếp tục và khẩn trương tổ chức thẩm định, xem xét để cấp giấy đăng ký lưu hành và cấp phép nhập khẩu thuốc cho tất cả các hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc Molnupiravir đáp ứng yêu cầu.
Bên cạnh đó, ngày 1-3-2022, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 976/BYT-QLD về việc tăng cường các biện pháp quản lý đối với việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị COVID-19, trong đó tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và ngăn chặn các hoạt động mua, bán thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc giả, thuốc nhập lậu; mua bán thuốc không đúng quy định về bán thuốc, giá thuốc; kiểm tra hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm thuốc trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán thuốc điều trị COVID-19 bất hợp lý./.
PV