Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đến hết ngày 8-2-2022 toàn tỉnh đã lấy đủ nước cho toàn bộ diện tích gieo cấy lúa xuân; bừa cấy được 92% diện tích; cấy và sạ được 15% diện tích, trong đó cấy 1.900ha, sạ 9.000ha và trồng được 6.250ha cây rau màu. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, từ nay đến hết tháng 2-2022 sẽ xuất hiện một số đợt không khí lạnh gây rét đậm, rét hại và kèm theo mưa ẩm. Nhiệt độ thấp nhất dao động trong khoảng từ 13-150C và cao nhất trong khoảng từ 20-220C.
Để sản xuất vụ xuân 2022 giành thắng lợi, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết bất thuận và dịch hại gây ra, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, Sở NN và PTNT, các Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi, các sở, ngành, đơn vị có liên quan tập trung chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, sạ đúng lịch khi điều kiện cho phép; phấn đấu đến ngày 20-2-2022 cơ bản hoàn thành gieo cấy; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình sinh trưởng của lúa sau cấy, sạ để chủ động xây dựng phương án xử lý tình huống trong điều kiện rét kéo dài làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của lúa. UBND các huyện, thành phố, các Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tranh thủ khai thác tối đa xả nước đợt 3 (từ ngày 13 đến 17-2-2022) từ các hồ thủy điện để điều tiết nước vào ruộng cho phù hợp; có kế hoạch tích trữ nước và hạn chế rỏ rỉ lãng phí nước. Điện lực tỉnh xây dựng kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu về nguồn điện có chất lượng tốt phục vụ công tác chống hạn, úng của các Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi và các địa phương trên địa bàn tỉnh. Sở NN và PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố hướng dẫn các địa phương tổ chức chăm sóc, bảo vệ lúa xuân theo đúng quy trình đã xây dựng; nghiên cứu điều chỉnh quy trình bón phân theo hướng giảm phân vô cơ, tăng phân hữu cơ trong điều kiện giá cả phân bón tăng cao, đảm bảo lúa xuân sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, chống đổ tốt và hạn chế sâu bệnh; phối hợp với Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tăng thời lượng tuyên truyền và hướng dẫn biện pháp thâm canh, bảo vệ cây trồng an toàn, hiệu quả. Quản lý tốt các đối tượng dịch hại như: chuột, ốc bươu vàng, lúa cỏ, rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen... ngay sau cấy, sạ; tổ chức phun trừ kịp thời bằng các loại thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn của Sở NN và PTNT. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, không để hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường dưới mọi hình thức. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh giao Sở NN và PTNT thường xuyên tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh; yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.
Văn Đại