Chiều 10-2, Bộ GD và ĐT tổ chức Lễ công bố Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025. Dự buổi lễ công bố có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội; Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD và ĐT; Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế; Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VH, TT và DL. Dự lễ tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Trần Lê Đoài, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành và Văn phòng UBND tỉnh.
Đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta. |
Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025 nhằm mục tiêu duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục; chăm sóc, bảo vệ, quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và trường chuyên biệt nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh. Tại buổi lễ đã chính thức kích hoạt chuỗi hoạt động truyền thông sức khỏe học đường do Bộ GD và ĐT thực hiện, phối hợp với các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương; các tổ chức liên quan, các đơn vị báo chí truyền thông từ Trung ương tới 63 điểm cầu kết nối các tỉnh/thành phố và trên 41.950 trường học trên cả nước.
Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025 xác định 5 nhóm nội dung và 7 nhóm giải pháp về chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khoẻ, trẻ em, học sinh; giáo dục thể chất và hoạt động thể thao học đường; tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giám sát, thống kê, báo cáo; tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học. Phấn đấu đến năm 2025, 100% trường học có tổ chức bữa ăn học đường và căng tin trường học, sử dụng sữa học đường theo tiêu chí, tiêu chuẩn được quy định trong Chương trình Sữa học đường quốc gia…; 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn; 100% trường học có đủ giáo viên giáo dục thể chất và được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ… Đây là bước khởi đầu cho một chương trình thiết thực, tổng thể và dài hạn về sức khỏe học đường, quy mô lớn nhất từ trước đến nay, lựa chọn các nội dung ưu tiên đối với sức khỏe trẻ em, học sinh trên cả nước, tránh trùng lặp, chồng chéo. Chương trình cũng tạo cơ chế chính sách, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm thu hút sự tham gia đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; huy động các nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, đảm bảo hơn 22 triệu trẻ em, học sinh (tương đương 25% dân số) được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay từ trong trường học.
Tại buổi lễ đã diễn ra Lễ ký kết Chương trình Phối hợp giữa Bộ GD và ĐT và Bộ Y tế về công tác y tế trường học và chăm sóc sức khỏe học sinh – sinh viên giai đoạn 2022-2026; Lễ ký kết Chương trình Phối hợp giữa Bộ GD và ĐT và Bộ VH, TT và DL về công tác giáo dục thể chất, thể thao trường học giai đoạn 2022-2026.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Các địa phương, các bộ, ngành, các đơn vị cần triển khai Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 theo chức năng, quyền hạn và tấm lòng của mình. Phải xác định đây là nhiệm vụ của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, Bộ GD và ĐT và Bộ Y tế là nòng cốt, phối hợp có hiệu quả để tất cả các cơ quan, ban, ngành và toàn xã hội đều phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tiếp tục hoàn thiện việc bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị trong trường học, đặc biệt là các trang thiết bị, dụng cụ, thuốc, vật tư y tế nhằm bảo đảm đủ điều kiện để triển khai hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe học đường và đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh; đảm bảo các điều kiện về vệ sinh trong trường học. Tiếp tục triển khai các chương trình dạy kỹ năng sinh tồn cho trẻ em, học sinh để các em thích ứng linh hoạt với những điều kiện, hoàn cảnh không bình thường, đặc biệt là khắc phục tình trạng đuối nước ở trẻ em, học sinh; cải thiện dinh dưỡng bữa ăn cho trẻ tại các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các khu vực bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; giảm tải chương trình học để tránh ảnh hưởng tới tâm lý và sự phát triển của các em, nhất là đối với bậc tiểu học, để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” đối với các em. Tiếp tục các biện pháp, các phương án cụ thể phòng, chống dịch COVID-19 khi mở cửa trường học sao cho hiệu quả, an toàn, hợp lý. Bộ Y tế phối hợp Bộ GD và ĐT và chính quyền địa phương các cấp có những giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 linh hoạt, an toàn, hiệu quả; tích cực triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5-11 tuổi trong thời gian tới./.
Tin, ảnh: Minh Thuận