Trong các ngày 13, 14-12, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 của tỉnh Nam Định” tại huyện Xuân Trường và Hải Hậu. Tham gia Đoàn giám sát có đồng chí Mai Thanh Long, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các vị ĐBQH tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Nội vụ, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
Theo báo cáo của UBND huyện Xuân Trường, thực hiện Phương án tổng thể số 06/PA-UBND ngày 8-7-2019 của UBND tỉnh Nam Định về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, huyện có xã Xuân Thượng không đạt trên 50% cả 2 tiêu chí diện tích tự nhiên và quy mô dân số so với quy định. Qua xem xét đặc điểm tình hình, vị trí địa lý, UBND huyện Xuân Trường đã thống nhất sáp nhập xã Xuân Thượng vào xã Xuân Thủy. Các xã Xuân Thượng và xã Xuân Thủy đã thành lập Ban chỉ đạo sáp nhập, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; tổ chức các hội nghị từ xã đến địa bàn dân cư để quán triệt về việc sáp nhập. Đồng thời, tiến hành rà soát, lập và công khai danh sách cử tri; thành lập Tổ lấy ý kiến cử tri theo từng xóm đội, bám sát lộ trình thực hiện sáp nhập của huyện đảm bảo thời gian theo quy định. Tuy nhiên, việc tổ chức sắp xếp sáp nhập đơn vị hành chính xã Xuân Thượng, Xuân Thủy chưa thành công. Nếu như cán bộ, đảng viên và nhân nhân xã Xuân Thủy đều đồng thuận, nhất trí với Đề án sáp nhập của huyện, thì xã Xuân Thượng, mặc dù khi tổ chức hội nghị chi bộ, họp nhân dân để triển khai nghị quyết của Đảng bộ xã vẫn còn nhiều đảng viên và nhân dân trong xã chưa đồng thuận, lý do có sự chênh lệch về quy mô dân số của xã giữa sổ hộ khẩu và dữ liệu điều tra dân số.
Thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12-3-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, huyện Hải Hậu có 1 xã Hải Toàn không đạt các tiêu chí theo quy định, phải thực hiện sáp nhập. UBND huyện đã xây dựng đề án sắp xếp xã Hải Toàn vào xã Hải An để trở thành xã Hải An. Việc thực hiện sắp xếp đảm bảo đúng tiến độ theo Đề án và các quy định hướng dẫn của Quốc hội, Chính phủ và UBND tỉnh. Sau sáp nhập số đầu mối các cơ quan, tổ chức đơn vị giảm một nửa; số lượng biên chế ngay sau sắp xếp không giảm, chỉ giảm cấp trưởng. Từ 152 cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở các đơn vị hành chính trước khi thực hiện sắp xếp đã bố trí sắp xếp được 117 người; số nghỉ việc hưởng chế độ và dôi dư 39 người. Việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư và việc chấm dứt hợp đồng đối với người lao động được giải quyết theo phương án được cấp bổ sung biên chế và một số đối tượng tạm thời hưởng chế độ phụ cấp bảo lưu đến hết năm tài khóa. Trụ sở làm việc của xã mới sáp nhập bố trí ở UBND xã Hải An (cũ); các công trình Trường học, trạm y tế sử dụng cả 2 cơ sở trong đó bố trí 1 cơ sở là trụ sở chính; còn trụ sở UBND xã Hải Toàn (cũ) chưa sử dụng. Việc cắm mốc thực hiện theo đúng mốc giới địa chính của 2 xã trước khi sáp nhập gộp lại. Ngoài ra, việc thực hiện chuyển đổi con dấu và các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn rất thuận tiện; các loại giấy tờ chuyển đổi cho công dân đều không thu phí.
Tại các buổi giám sát, huyện Xuân Trường và Hải Hậu đề xuất, kiến nghị với các cơ quan Trung ương cần sát sao cùng với địa phương để nắm tình hình và chỉ đạo giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh. Đề nghị Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp có văn bản hướng dẫn cụ thể về quy trình giải thể, sáp nhập, thành lập chi bộ đảng, các đoàn thể theo quy định sau khi thực hiện việc giải thể, sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố mới. Ban hành quy định về sử dụng chung tài sản công như: nhà văn hóa các phường, xã, nhà đa năng các trường học đồng thời là nhà văn hóa của thôn, xóm, tổ dân phố. Nghiên cứu xây dựng theo hướng một tổ chức có thể phụ trách nhiều lĩnh vực khác nhau, một chức danh có thể kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ để đạt mục tiêu giảm tối đa việc sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước. Các cấp có thẩm quyền có chính sách hỗ trợ có phương án bố trí, sắp xếp, giải quyết đối với các trường hợp đã và đang đảm nhận các chức danh của xã bị dôi dư sau khi sáp nhập; có quy định cụ thể, tiêu chí đánh giá về việc lựa chọn cán bộ, công chức để bố trí sau sáp nhập và hướng dẫn cụ thể hơn nữa về tổ chức hoạt động của đơn vị hành chính mới sau sắp xếp. Làm rõ lộ trình tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn 2022-2030. Rà soát sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản hướng dẫn điều chỉnh về hồ sơ, giấy tờ, thủ tục hành chính, chế độ, chính sách bảo đảm thuận lợi nhất cho người dân, tổ chức sau khi sáp nhập thôn, tổ dân phố.
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021; đồng thời chia sẻ ghi nhận những khó khăn, vướng mắc cũng như kiến nghị, đề xuất của các địa phương để phản ánh đến Quốc hội, các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết, góp phần thực hiện hiệu quả việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn tỉnh./.
Văn Trọng