Ngày 3-11, Thường trực Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật (XDPL) nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Vương Đình Huệ, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội; Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đồng chủ trì hội nghị. Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Nhà Quốc hội đến 62 điểm cầu trong cả nước. Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành, đơn vị trong tỉnh.
Các đồng chí: Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH của tỉnh tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta. |
Tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã quán triệt, chỉ đạo việc triển khai Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình XDPL nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Theo đó, trên cơ sở Đề án do Đảng đoàn Quốc hội xây dựng ngày 14-10-2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19-KL/TW về định hướng Chương trình XDPL nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV với mục tiêu: “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập khung khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, 12 định hướng phát triển đất nước, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra”. Trong quá trình triển khai định hướng chương trình XDPL nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV phải thận trọng, chắc chắn, đặt yêu cầu cao về chất lượng; lấy quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp và lợi ích quốc gia - dân tộc làm trọng tâm; bám sát và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các cơ quan, tổ chức phải xác định rõ trách nhiệm của mình trong công tác XDPL, hoàn thiện thể chế. Chính phủ và các bộ, ngành phải khẩn trương tổ chức nghiên cứu, chuẩn bị; các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường theo dõi, đôn đốc, giám sát và phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội. Đồng chí đề nghị cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu các cơ quan Trung ương cần tập trung, sớm triển khai Chương trình XDPL nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức Trung ương và địa phương trong công tác XDPL.
Báo cáo tổng quan về Định hướng Chương trình XDPL nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và dự kiến Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Đảng đoàn Quốc hội đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng Đề án định hướng Chương trình XDPL nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Trên cơ sở 8 nhóm định hướng lớn và 70 định hướng cụ thể, căn cứ vào quỹ thời gian thực tế và khả năng thực hiện, Đảng đoàn Quốc hội và các cơ quan thống nhất xác định 137 nhiệm vụ lập pháp cần phải thực hiện trong nhiệm kỳ. Trong đó, có 12 nhiệm vụ thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2021 và 2022; cùng 88 nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát các văn bản luật hiện hành và 37 nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng văn bản mới. Đến nay các cơ quan đã hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát đối với 16 nhiệm vụ, trong đó có 13 dự án luật được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các năm 2021 và 2022; có 3 dự án luật đang được đề nghị xem xét, bổ sung vào Chương trình năm 2022.
Tại hội nghị, các đại biểu tiến hành thảo luận, thống nhất về yêu cầu, nội dung kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và Đề án; việc thực hiện các giải pháp thực hiện Đề án; thống nhất cơ chế bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện.
Phát biểu bế mạc tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị: Để đảm bảo thực hiện tốt Kết luận số 19-KL/TW ngày 14-10-2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình XDPL nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương cần chú trọng nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của công tác XDPL, hoàn thiện thể chế. Tiếp tục tìm tòi, đổi mới, cải tiến quy trình, thủ tục để tăng tính hiệu quả trong XDPL; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan đối với công tác lập pháp. Quá trình đề xuất sửa đổi, bổ sung luật, pháp lệnh... cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nhất là làm tốt công tác chuẩn bị hồ sơ, soạn thảo, lấy ý kiến góp ý; đặc biệt quan tâm phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, tránh lợi ích nhóm. Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là người đứng đầu trong công tác lập pháp; coi đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm. Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải coi việc triển khai Kết luận số 19-KL/TW ngày 14-10-2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình XDPL nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Vì vậy, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương cần kịp thời chỉ đạo, triển khai. Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mình trong việc nghiên cứu, tìm tòi, góp ý vào các dự án luật, dự thảo nghị quyết nhằm tăng tính hiệu quả đối với công tác xây dựng pháp luật./.
Tin, ảnh: Văn Huỳnh