Ngày 17-11, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) đã tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Trẻ em thế giới (20-11) với chủ đề “Chăm sóc, bảo vệ và thúc đẩy sức khỏe tâm thần ở trẻ em”.
Ngày 20-11 hàng năm được lựa chọn là Ngày Trẻ em thế giới, đánh dấu ngày thông qua Công ước quốc tế về Quyền trẻ em. Đây cũng là dịp để nâng cao nhận thức về các vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ em và thúc đẩy sự tham gia của thanh, thiếu niên vào việc thực hiện các quyền của chính mình. Ngày Trẻ em thế giới năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, toàn thế giới phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, trong đó, trẻ em và thanh thiếu nhi phải gánh chịu những tiêu cực từ đại dịch nhất là về vấn đề học tập, sức khỏe tâm thần. Các em bị gián đoạn việc học tập; khó khăn hơn trong cách tiếp cận nguồn dinh dưỡng, điều kiện để chăm sóc sức khỏe nói chung. Các hoạt động vui chơi, giải trí, giao tiếp bạn bè cũng bị hạn chế; vấn đề liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em cũng có xu hướng gia tăng. Đặc biệt tình trạng trẻ em mắc COVID-19 phải cách ly, điều trị xa bố mẹ, người thân; trẻ em mồ côi do bố mẹ tử vong vì đại dịch COVID-19 đã đe dọa trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của trẻ em…
Theo Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam bà Rana Flowers, trong vòng 2 năm qua, do tác động của đại dịch, rất nhiều vấn đề về quyền trẻ em đã bị ảnh hưởng. Đại dịch COVID-19 cũng đã ảnh hưởng đến quyền trẻ em như: Các em bị cách ly với môi trường quen thuộc bên ngoài, có sợ hãi, lo lắng nhất định… Việc phong tỏa xã hội đã dẫn đến một tỷ lệ trẻ em ở nhiều nước phải sống trong im lặng và cảm thấy bị cô lập. Khi đại dịch chấm dứt, các tác động về kinh tế - xã hội cũng như hậu quả về sức khỏe tâm thần vẫn sẽ tiếp tục. Theo bà, Chính phủ các nước cần cân nhắc các kế hoạch, chiến lược về sức khỏe tâm thần dành cho trẻ em và thanh thiếu niên; đầu tư vào các dịch vụ để hỗ trợ trẻ em... Trường học cần có dịch vụ tư vấn, chương trình học có ưu tiên liên quan đến sức khỏe tâm thần dành cho trẻ nhỏ. Cần có những cán bộ công tác xã hội tại cộng đồng có kỹ năng để có thể xác định trẻ em có nguy cơ, chuyển các em đến dịch vụ phù hợp nhằm nâng cao sức khỏe tâm thần cho các em. Cha mẹ cần được tập huấn để nhanh chóng nhận biết các vấn đề của con, hỗ trợ kịp thời; tạo môi trường khuyến khích sự trao đổi, nói chuyện giữa các thành viên trong gia đình./.
PV