Về tình hình chuỗi cung ứng lao động trong bối cảnh dịch COVID-19, theo Bộ LĐ-TB và XH, trong tổng số hơn 28,2 triệu người bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19, có 4,7 triệu người bị mất việc, chiếm 16,5%; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 51,1%; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 42,7% và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 67,2%.
Theo đó, tiền lương thu nhập giảm, lương bình quân của người lao động giảm còn 5,2 triệu đồng/lao động, đã giảm 877 nghìn đồng so với quý II/2021 và giảm 603 nghìn đồng so với năm 2020. Tỉ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, tỉ lệ thiếu việc làm trong quý III là 4,46%, tương đương hơn 1,8 triệu người tăng 1,86% so với quý trước.
Trên phạm vi toàn quốc, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III/2021 là hơn 1,7 triệu người, tăng 532.200 người so với quý trước và tăng 449.600 người so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III là 3,98%, tăng 1,36% so với quý trước và tăng 1,25% so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 5,54%. Đáng quan ngại là có sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, về các tỉnh, lao động giảm làm lượng lao động bị dịch chuyển từ các vùng bị hạn chế đã làm cho thị trường lao động bị chia cắt cục bộ, gây ra nguy cơ thiếu lao động ở một số vùng, ngành, lĩnh vực.
Bộ LĐ-TB và XH cho biết, để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, cần hướng tới bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động đang làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh; tuyên truyền cho người lao động những lợi ích khi gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, chia sẻ cùng doanh nghiệp trong lúc khó khăn; khuyến khích doanh nghiệp có chế độ hỗ trợ cho người lao động về tiền lương, bảo hiểm, ngày nghỉ lễ... để giữ chân người lao động. Đặc biệt cần chủ động hướng dẫn người lao động hoàn thiện các giấy tờ để nhận các gói hỗ trợ; tiếp tục các chính sách hỗ trợ về nhà ở, phòng trọ, thực phẩm cho người lao động yên tâm làm việc; đẩy mạnh tiêm vắc-xin phòng COVID-19”. Bên cạnh đó khẩn trương hỗ trợ đưa người lao động trở lại làm việc, tổ chức tuyên truyền để người lao động nắm được thông tin quay trở lại cơ sở lao động; ưu tiên tiêm vắc-xin cho người lao động, hỗ trợ các chi phí y tế, xét nghiệm COVID-19, cách ly; hỗ trợ về đi lại khi người lao động quay trở lại doanh nghiệp; hỗ trợ bồi dưỡng kỹ năng, tư vấn về nghề nghiệp; phối hợp thông tin giữa các địa phương về tạo điều kiện, hỗ trợ đi lại cho người lao động quay lại làm việc. Hỗ trợ người lao động ngoại tỉnh các sinh hoạt phí tối thiểu như thuê nhà ở, hỗ trợ chi phí y tế; khuyến khích doanh nghiệp quan tâm, động viên người lao động ngoại tỉnh đã trở về quê sẵn sàng quay lại công việc... Một giải pháp nữa cũng rất cần được quan tâm trong lúc này theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB và XH là có kế hoạch kết nối lao động trên địa bàn, giải quyết khó khăn về thiếu hụt lao động ở các vùng, khu vực sản xuất trọng điểm, rà soát trình độ, thông tin của người lao động để làm cơ sở kết nối cung cầu lao động; thực hiện các phiên giao dịch việc làm, đa dạng hóa các hình thức tìm kiếm việc làm, tổ chức kết nối lao động liên vùng trên toàn quốc; đào tạo kỹ năng nghề kịp thời cho người lao động để bổ sung cho cơ sở lao động./.
PV