Trong các ngày 29 và 30-11, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 của tỉnh Nam Định” tại huyện Nghĩa Hưng và Ý Yên. Tham gia buổi giám sát có đồng chí Mai Thanh Long, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các vị ĐBQH tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Nội vụ, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với huyện Ý Yên. |
Theo báo cáo của UBND huyện Nghĩa Hưng, thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12-3-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, UBND huyện đã xây dựng đề án sắp xếp xã Nghĩa Phúc vào xã Nghĩa Thắng để trở thành xã Phúc Thắng. Sau khi sáp nhập, xã Phúc Thắng có tổng diện tích tự nhiên là 11,88km2 đạt tỷ lệ 39,6% theo quy định; quy mô dân số 8.629 người; đạt tỷ lệ 107,8% theo quy định. Tổng số cán bộ, công chức sau sắp xếp là 41 người; đã bố trí đủ 20 người theo quy định. Đối với 21 cán bộ, công chức dôi dư, huyện đã giải quyết nghỉ hưu, tinh giản, luân chuyển theo quy định được 11 người; còn lại 10 người, dự kiến lộ trình đến hết năm 2025 sẽ bố trí xong để đảm bảo đúng số lượng quy định. Sau thực hiện sắp xếp huyện Nghĩa Hưng giảm được 1 đơn vị hành chính cấp xã còn 24 đơn vị hành chính cấp xã. Căn cứ Nghị quyết số 1121/2016/UBTVQH13 thì tất cả các xã, thị trấn trong huyện chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên theo quy định (30km2); có 15 xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn về quy mô dân số (xã 8.000 người, thị trấn 8.000 người).
Thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Ý Yên tổ chức triển khai đảm bảo đúng các bước quy trình, đảm bảo tiến độ, thời gian theo quy định. Qua rà soát, UBND huyện đã ban hành các đề án sáp nhập xã Yên Thành với xã Yên Nghĩa; xã Yên Xá với thị trấn Lâm. Đến nay, huyện đã thực hiện sáp nhập xã Yên Xá vào thị trấn Lâm; sau sáp nhập thị trấn Lâm có diện tích tự nhiên là 6,863km2, đạt tỷ lệ 49,02%; quy mô dân số 14.394 người, đạt tỷ lệ 179,92%. Việc bố trí sắp xếp cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở đơn vị hành chính mới được thực hiện bảo đảm theo quy định. Trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND thị trấn Lâm mới vẫn đặt tại trụ sở cũ, không xây mới, đảm bảo sử dụng hiệu quả tiết kiệm. Các đơn vị sự nghiệp trường mầm non, trường THCS, trạm y tế sau khi thực hiện sáp nhập, được bố trí, sử dụng tại cơ sở của đơn vị thị trấn Lâm cũ, không phát sinh xây mới, sửa chữa. Sau khi thực hiện sắp xếp xã Yên Xá với thị trấn Lâm, huyện Ý Yên giảm được 1 đơn vị hành chính cấp xã, còn 1 đơn vị là xã Yên Thành thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp nhưng chưa thực hiện được; lý do tổ chức lấy ý kiến cử tri chưa đạt tỷ lệ theo quy định. Căn cứ Nghị quyết số 1121/2016/UBTVQH13, trên địa bàn huyện hiện nay 31 xã, thị trấn chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên theo quy định; có 16 xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn về quy mô dân số.
Tại các buổi giám sát, huyện Nghĩa Hưng và Ý Yên đều khẳng định, thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước; qua đây nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính Nhà nước, thu gọn đầu mối tinh giản bộ máy, tiết kiệm chi ngân sách, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên trong quá trình triển khai có một số khó khăn: việc lấy ý kiến của cử tri về Đề án thực hiện sắp xếp, nhất là tên gọi đơn vị mới; việc bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ đối với số cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư. Các địa phương kiến nghị với Đoàn giám sát đề nghị cấp trên tiếp tục triển khai thực hiện sắp xếp, sáp nhập đối với đơn vị hành chính cấp xã không đạt 50% cả hai tiêu chí về diện tích tự nhiên và dân số. Việc phân loại đơn vị hành chính được căn cứ vào hai tiêu chí là diện tích tự nhiên và tiêu chí về dân số, do vậy đề nghị bỏ quy định về việc lấy ý kiến cử tri đối việc thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính do không đạt tiêu chí theo quy định. Có cơ chế hỗ trợ địa phương về kinh phí để xây dựng một số công trình cơ sở hạ tầng cần thiết trước khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập; có ưu đãi riêng để giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư do thực hiện sáp nhập.
Đoàn giám sát đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021; ghi nhận kiến nghị của các địa phương để phản ánh đến Quốc hội xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các huyện cần thực hiện tốt việc giải quyết cán bộ dôi dư; sử dụng cơ sở vật chất, tài sản sau sắp xếp đảm bảo theo đúng quy định của Chính phủ và đánh giá sâu sát cụ thể kết quả đạt được và tồn tại hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ sắp xếp các đơn vị hành chính./.
Tin, ảnh: Văn Trọng