Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là đợt dịch lần thứ 4 bùng phát đã khiến 1,3 triệu lao động dịch chuyển từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh. Trong đó, hơn 600 nghìn lao động di cư về quê tại các tỉnh phía Nam. Nguy cơ thiếu hụt lao động cục bộ ở một số vùng, một số ngành, lĩnh vực đang là vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất, kinh doanh. Theo Bộ LĐ-TB và XH, có khoảng 17,8% doanh nghiệp bị thiếu lao động; thiếu hụt lao động theo ngành: điện tử (55,6%), da giày (51,7%), may (49,2%), sản xuất thiết bị điện (44,5%), dệt (39,5%)…
Hiện tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc mới chỉ đạt 60 đến 70% so với nhu cầu doanh nghiệp. Để khôi phục lại chuỗi lao động bị đứt gẫy, Bộ LĐ-TB và XH đang xây dựng 2 phương án cung ứng lao động qua đào tạo, góp phần bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thời kỳ hậu COVID-19. Phương án 1 là đưa học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Theo đó, đưa 500 nghìn học sinh, sinh viên cơ bản (năm 1, năm 2); cùng 500 nghìn học sinh, sinh viên thành thạo (năm 2 và năm 3) vào làm việc tại doanh nghiệp. Trong đó, riêng khu vực trọng điểm Đông Nam Bộ có khoảng 200 nghìn học sinh, sinh viên thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể tham gia tại doanh nghiệp. Phương án 2 là tiếp tục đẩy mạnh tuyển sinh, tổ chức đào tạo ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, học sinh, sinh viên sẽ được vừa học vừa làm tại doanh nghiệp để đảm bảo nâng cao tay nghề./.
PV