Lãnh đạo công tác phòng, chống dịch xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương tới địa phương

06:10, 17/10/2021

Sáng 17-10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo với các địa phương về đánh giá kết quả bước đầu thực hiện công tác phòng, chống dịch trong đợt dịch lần thứ 4, những bài học kinh nghiệm và các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thời gian tới. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng. 

Phát biểu ý kiến mở đầu hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát cơ bản trên toàn quốc; hiện nay, chúng ta đang từng bước chuyển sang giai đoạn mới thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Do đó chúng ta phải đánh giá lại giai đoạn đợt dịch thứ 4.

Vừa qua, ngày 11-10, Ban Chỉ đạo quốc gia, Chính phủ thống nhất ban hành Nghị quyết, trong đó có Quyết định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; sau đó Bộ Y tế cũng ban hành Quyết định 4800/QĐ-BYT hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 128. 

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phản ánh lại những điểm còn vướng mắc, chưa thống nhất theo quy định của Nghị quyết 128/NQ-CP và Hướng dẫn của Bộ Y tế (Quyết định 4800) vì vẫn còn một số nơi chưa làm đúng. Tinh thần chung là phải lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương; cấp dưới phục tùng cấp trên; các quy định của các địa phương không được trái với quy định của Trung ương. 

Ban Chỉ đạo quốc gia đã kiến nghị các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, đó là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; huy động cả hệ thống chính trị, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong phòng, chống dịch và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội; làm tốt hơn nữa công tác dự báo, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện; phát huy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát và phát huy tính tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp.

Triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 để tạo điều kiện thuận lợi thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các địa phương chủ động xây dựng và tổ chức lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 trên cơ sở độ bao phủ vắc-xin, năng lực đáp ứng của hệ thống y tế và diễn biến dịch bệnh tại từng địa phương; khi thực hiện phong tỏa để phòng, chống dịch có hiệu quả thì từng bước nới lỏng các yêu cầu phòng, chống dịch với lộ trình cụ thể, khả thi để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm kiểm soát dịch bệnh.

Tập trung đầu tư, từng bước hiện đại hóa, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở. Bảo đảm an ninh y tế, chú trọng thúc đẩy nghiên cứu y sinh học, phát triển công nghiệp dược, vắc-xin, sinh phẩm, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế để chủ động trong phòng, chống dịch, kể cả đối với các loại dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi. 

Tiếp tục nhập khẩu vắc-xin và thúc đẩy sản xuất vắc-xin trong nước để từng bước chủ động nguồn cung, đáp ứng nhu cầu năm 2022 và các năm tiếp theo; khuyến khích huy động nguồn lực địa phương, doanh nghiệp để mua vắc-xin nhưng phải quản lý chặt chẽ về cấp phép, bảo đảm chất lượng, bảo quản và tổ chức tiêm miễn phí, an toàn, hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế để thực hiện tiêm mũi tăng cường và triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin cho trẻ em thận trọng, an toàn, khoa học; nghiên cứu việc xã hội hóa tiêm chủng vào thời điểm thích hợp.

Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phòng, chống dịch, thúc đẩy xã hội hóa, kết hợp công tư; tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho hệ thống y tế đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; có chính sách đặc thù, đãi ngộ đối với lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu có nhiều đóng góp, hy sinh. 

Đẩy mạnh thực hiện các chính sách, có giải pháp tổng thể, xã hội hóa công tác an sinh xã hội. Quan tâm chăm sóc sức khỏe, sang chấn tâm lý của người dân; chú ý trẻ mồ côi, người mất việc, mất thu nhập do đại dịch; khắc phục các bất cập trong việc tổ chức học trực tuyến. Bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phòng, chống dịch và tham nhũng, tiêu cực.

Tiếp tục phát huy vai trò trung tâm và nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ và thống nhất áp dụng các biện pháp quản lý, kiểm soát dịch bệnh; không ban hành các biện pháp trái với quy định của Trung ương, nhất là trong hoạt động giao thông vận tải, lưu thông hàng hóa, không để xảy ra ách tắc cục bộ; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển, bảo đảm an toàn, an ninh và các yêu cầu phòng, chống dịch.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, thống nhất một ứng dụng công nghệ bảo đảm kết nối, liên thông, thuận lợi khi sử dụng và an ninh, an toàn thông tin. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội, quảng bá hình ảnh Việt Nam trong phòng, chống dịch và khôi phục sản xuất an toàn để góp phần thúc đẩy thương mại, thu hút đầu tư, du lịch trong điều kiện bình thường mới; nâng cao nhận thức, tinh thần tự giác, chủ động, tích cực của các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com