Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, trong các ngày 22, 23 và 24-10, Quốc hội thảo luận ở tổ và thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Các dự thảo nghị quyết: Một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế; dự thảo nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Nghe các báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021; Công tác năm 2021 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao; Công tác năm 2021 của Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao; Công tác thi hành án năm 2021; Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.
Các đồng chí: Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự phiên thảo luận trực tuyến tại điểm cầu tỉnh ta. |
Tại các phiên thảo luận tổ và thảo luận trực tuyến, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều ý kiến đóng góp vào các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết. Để làm rõ các nội dung gắn với tình hình thực tiễn của tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh đã mời các sở, ngành: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tư pháp, Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh, TAND tỉnh, Viện KSND tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cùng tham gia ý kiến làm rõ các vấn đề cần thảo luận. Các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh cơ bản tán thành và đóng góp gần 50 ý kiến vào các dự án Luật, dự thảo nghị quyết. Cho ý kiến vào dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế, các đại biểu nhất trí đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết để thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương. Đề nghị Chính phủ, Quốc hội cần rà soát chặt chẽ công tác quản lý thu chi, quản lý đất đai để tránh bị phá vỡ tài nguyên môi trường, kế hoạch sử dụng đất, sử dụng rừng của các địa phương. Đề nghị Quốc hội quan tâm đến việc thành lập quỹ bảo tồn di sản Huế; sớm sửa đổi Luật Đất đai và các Luật có liên quan để tạo điều kiện cho các địa phương khác có điều kiện phù hợp áp dụng thực hiện. Tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố được quyết định những vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền. Đối với dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, đa số các đại biểu đồng tình với sự cần thiết về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về phiên tòa trực tuyến, bởi đây là yêu cầu và xu thế tất yếu phải sử dụng hình thức trực tuyến của hoạt động tư pháp; phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc, tố tụng do pháp luật quy định và đáp ứng yêu cầu cấp bách của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay. Đối với các kiến nghị nêu trong báo cáo công tác của Viện trưởng Viện KSND tối cao, các đại biểu đề nghị Viện KSND tối cao cần kiến nghị tới Quốc hội, Chính phủ cụ thể những vấn đề gì cần sửa đổi, bổ sung về xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, chính sách, cơ chế quản lý kinh tế nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm những vi phạm. Bên cạnh đó, cần phân tích thêm nội dung, yêu cầu trong những vụ án mà tình tiết phức tạp, chứng cứ không rõ ràng, những vấn đề mà cơ quan điều tra chưa làm rõ mặc dù đã tiến hành nhiều biện pháp điều tra, những yêu cầu trong án kinh tế, tham nhũng… mà cơ quan điều tra đã thực hiện những yêu cầu. Về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH, Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68 của Quốc hội khóa XIII về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019-2020, duy trì đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào quá trình quản lý tạo thuận lợi cho người sử dụng; nghiên cứu thể chế hóa Nghị quyết 28 của Trung ương tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH để thu hút đông đảo người lao động tham gia. Các đại biểu cũng đề nghị xác định một số nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp trốn, nợ đọng BHXH kéo dài, có giải pháp để chống việc lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH. Đối với dự thảo Luật Điện ảnh, các đại biểu cho rằng việc sản xuất phim bằng nguồn ngân sách Nhà nước được quy định tại Điều 15 Luật Điện ảnh nên lựa chọn thực hiện theo phương án 2: Giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng (đối với phim có nội dung, đề tài phục vụ nhiệm vụ chính trị) hoặc đấu thầu (đối với phim có các nội dung khác) để đảm bảo tính chính trị, lịch sử và phù hợp với Luật Đấu thầu, đồng thời phát huy tinh thần trách nhiệm, sáng tạo của các cơ quan, đơn vị sản xuất phim, góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm điện ảnh. Đối với dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đóng góp vào nội dung nguyên tắc thi đua khen thưởng, các đại biểu đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc khen thưởng đúng người, đúng việc và ưu tiên khen thưởng những người lao động trực tiếp. Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng dự thảo luật cần xem xét, bổ sung thêm quy định xử lý các hành vi phạm trong thi đua, khen thưởng.
ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Điện ảnh. |
Ngày mai (25-10), Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến và thảo luận tại tổ về các dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê và nghe Viện trưởng Viện KSND tối cao, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu./.
Tin, ảnh: Văn Trọng