Hội nghị kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

07:10, 05/10/2021

Sáng ngày 5-10, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức hội nghị “Kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động lưu thông, kết nối tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hội nghị nhận được sự quan tâm của hơn 500 đại biểu là đại diện đến từ các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia kinh tế… tham gia hội nghị theo hình thức trực tuyến.

Dịch bệnh COVID-19 lan rộng, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là việc tiêu thụ nông sản ở cả thị trường trong và ngoài nước. Không chỉ vậy, đại dịch còn làm ảnh hưởng đến hoạt động cung - cầu, làm đứt gãy chuỗi cung ứng do thiếu nguồn lao động thu hoạch, chế biến và sản xuất; làm hạn chế việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương…

Thực hiện nhiệm vụ tại Kết luận số 77-KL/TW về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển kinh tế đất nước do Bộ Chính trị ban hành ngày 5-6-2020, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tập trung chủ động triển khai rất quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả nhiều giải pháp và cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao nhằm tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ hoạt động lưu thông, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa bền vững, hiệu quả. Hơn nữa, góp phần đưa ra những giải pháp căn cơ, bài bản, mang tính chất lâu dài thông qua tăng cường hoạt động đối thoại đa chiều. Thông qua hội nghị, Bộ kỳ vọng, các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, nhà phân phối, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các Tổ chức Xúc tiến thương mại quốc tế sẽ chia sẻ những kinh nghiệm, đề xuất và đưa ra các giải pháp tiêu thụ đẩy mạnh xuất khẩu. Bộ Công Thương cam kết sẽ tạo thuận lợi tối đa về mặt cơ chế trong phạm vi chức năng, thẩm quyền của Bộ nhằm hỗ trợ kết nối tiêu thụ trong nước và xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng nông sản của các địa phương trong vùng dịch.

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT) cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, các chương trình do Cục TMĐT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan như Vụ Thị trường trong nước, Cục Xúc tiến thương mại… tổ chức nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, ứng dụng thương mại điện tử đã hỗ trợ đắc lực việc vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa vừa phòng chống dịch bệnh. Trong giai đoạn phục hồi kinh tế, việc kết hợp phương thức phân phối hiện đại - thương mại điện tử và phương thức phân phối truyền thống là giải pháp tất yếu căn cơ cho hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo lưu thông hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Liên quan đến giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử, Cục TMĐT cho biết thêm, các chương trình hỗ trợ địa phương phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm địa phương, sản phẩm Việt uy tín qua thương mại điện tử, qua Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia đã được triển khai mạnh mẽ từ năm 2020. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Cục TMĐT đã hỗ trợ thành công gần 20 địa phương cả nước tiêu thụ sản phẩm địa phương nói chung, nông sản tới vụ nói riêng qua việc phương thức phân phối kết hợp online - offline.

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã sôi nổi thảo luận nhiều vấn đề về: Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch COVID-19; Tác động của dịch COVID-19 đến chuỗi cung ứng; Khuynh hướng thay đổi tiêu dùng tại Việt Nam; Công tác xúc tiến thương mại nhằm thực hiện nhiệm vụ kết nối tiêu thụ hàng nông sản chủ lực trong bối cảnh mới; Ứng dụng công nghệ đáp ứng yêu cầu kết nối cung cầu; Thách thức trong việc triển khai sản xuất cung ứng trong bối cảnh dịch bệnh; Kinh nghiệm tiếp thị và xúc tiến bán hàng trong thời gian giãn cách xã hội./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com