Chiều 20-10, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát chuyên đề “Thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội từ năm 2019 đến nay” tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) và Bưu điện tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh, đối tượng đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội hàng năm chiếm khoảng 4,7% dân số. Những năm qua, Sở LĐ-TB và XH đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai và hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với các diện đối tượng theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP. Các chế độ, chính sách được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng; công tác quản lý hồ sơ đảm bảo đúng quy định; công tác thanh quyết toán kinh phí chặt chẽ và kịp thời. Các chính sách trợ giúp xã hội đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những đối tượng gặp hoàn cảnh khó khăn; tạo thuận lợi cho các đối tượng yếu thế có mức sống tối thiểu, được hỗ trợ, tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản, giúp các đối tượng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Công tác chi trả trợ giúp xã hội hàng tháng tại cộng đồng thông qua tổ chức dịch vụ chi trả được thực hiện cơ bản kịp thời, đúng đối tượng, đúng chế độ chính sách, không xảy ra việc khiếu nại, tố cáo. Việc kiểm tra, giám sát cấp huyện, cấp xã trong việc xác định và quản lý đối tượng; tổ chức thực hiện chính sách trợ cấp, trợ giúp trên địa bàn đi vào nền nếp. Tuy nhiên quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội cũng còn hạn chế như: Công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách có thời điểm chưa thường xuyên, sâu rộng. Việc quản lý thông tin cũng như cơ sở dữ liệu về lĩnh vực bảo trợ xã hội ở một số xã, phường, thị trấn chưa khoa học. Việc cập nhật thông tin đối tượng tại một số địa phương chưa kịp thời.
Thực hiện Quyết định số 461/QĐ-UBND của UBND tỉnh, Bưu điện tỉnh đã phối hợp với Sở LĐ-TB và XH và hướng dẫn các địa phương chuyển đổi hình thức chi trả sang đơn vị thực hiện dịch vụ chi trả. Bưu điện tỉnh đã tổ chức 231 điểm chi trả, đảm bảo thuận tiện cho người hưởng và phù hợp với công tác quản lý của các cơ quan chức năng. Hiện nay, bình quân mỗi tháng Bưu điện tỉnh thực hiện chi trả chế độ bảo trợ xã hội cho 86.087 đối tượng, với số tiền chi trả trên 32 tỷ 196 triệu đồng. Công tác chi trả của Bưu điện tỉnh hiện còn gặp khó khăn vướng mắc như: Đối tượng hưởng nhiều, nhiều đối tượng không có khả năng tự chủ. Các khoản chi phí thường xuyên Bưu điện tỉnh phải chi như: Thu gom, tiếp tiền từ đầu huyện tới các điểm chi trả, đầu tư sửa chữa trang thiết bị, đào tạo nhân viên phục vụ cho công tác chi trả...
Tại buổi làm việc, Sở LĐ-TB và XH, Bưu điện tỉnh đề xuất với tỉnh bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách an sinh, xã hội cho các cấp, các ngành và cộng đồng; hỗ trợ các hoạt động nâng cao năng lực thực hiện chính sách cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Ban hành các văn bản hướng dẫn địa phương xử lý các vướng mắc khi thực hiện công tác bảo trợ xã hội để triển khai, thực hiện chính sách đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Tiếp tục nâng mức trợ cấp xã hội và mở rộng diện đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, đặc biệt là đối tượng người cao tuổi cô đơn… Bố trí đủ số biên chế và tăng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh; có chính sách thu hút, tạo thuận lợi để các cơ sở ngoài công lập tham gia cung cấp dịch vụ xã hội, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội, đáp ứng nhu cầu đối tượng ngày càng tăng. Bổ sung thêm hoa hồng chi trả cho Bưu điện tỉnh để bù đắp một phần các chi phí thực tế thường xuyên.
Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của Sở LĐ-TB và XH, Bưu điện tỉnh và tổng hợp chuyển đến cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét theo quy định./.
Trọng Văn