Sau hơn 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bế mạc sáng 7-10, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên bế mạc.
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bế mạc sáng 7-10. Ảnh: Đăng Khoa |
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị về ý kiến của Trung ương đối với các vấn đề: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2022-2024; Chủ trương lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII; Tình hình phòng, chống đại dịch COVID-19 và quan điểm, chủ trương về phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị về ý kiến của Trung ương đối với Báo cáo 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Sửa đổi, bổ sung Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Dự thảo Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm rõ thêm một số vấn đề và khái quát lại những kết quả chủ yếu Hội nghị đã đạt được.
Theo Tổng Bí thư, năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường; có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn. Ban Chấp hành Trung ương đồng tình về cơ bản với mục tiêu tổng quát và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2022 do Ban cán sự đảng Chính phủ đề xuất, trong đó có việc lùi thời điểm thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII. Tập trung ưu tiên thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh; đồng thời xử lý những hạn chế, yếu kém tồn đọng từ lâu của nền kinh tế, nhất là trong việc giải ngân vốn đầu tư công; cải cách doanh nghiệp Nhà nước và xử lý vấn đề các dự án thua lỗ lớn, chậm tiến độ kéo dài; các ngân hàng thương mại mua bắt buộc 0 đồng...
Tổng Bí thư nhấn mạnh, cái mới của lần này là Trung ương đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực...
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Trung ương thống nhất cao phải tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã đề ra; đồng thời bổ sung nhấn mạnh thêm 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là: Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm. Theo đó, phải chú trọng nêu gương những người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái. Đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, “lợi ích nhóm”. Rà soát, hoàn thiện, thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; công tác cán bộ, công tác kiểm tra; công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí, của công luận.
Trung ương đặc biệt nhấn mạnh, muốn Nghị quyết và Kết luận này đi vào cuộc sống, tạo ra chuyển biến rõ rệt thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, đất nước, trước Đảng để tự giác, gương mẫu thực hiện. Ở đây, sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn. Đặc biệt, phải thực hiện nghiêm, có hiệu quả cụ thể hơn nữa Quy định về những điều đảng viên không được làm mà kỳ họp này Trung ương mới bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện thêm theo đúng tinh thần, nội dung của các nghị quyết, chỉ thị, Điều lệ của Đảng và pháp luật của Nhà nước; khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập, thiếu sót trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đáp ứng được yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới.
Hội nghị thống nhất cao ban hành Quy định mới về những điều đảng viên không được làm; coi đây là căn cứ, cơ sở quan trọng để xem xét, xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên. Trung ương cho rằng, tổ chức thực hiện tốt Quy định mới và Kết luận của Hội nghị Trung ương lần này, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ có tác động tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc; ngăn chặn, đẩy lùi, kiên quyết đấu tranh, xử lý thật nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, kiên quyết đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong toàn Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương lần này, Tổng Bí thư đề nghị, mỗi đồng chí Ủy viên Trung ương, hãy phát huy tốt hơn nữa vai trò trách nhiệm cá nhân, cùng với cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương./.
PV