Ngày 16-9, Sở GD và ĐT ban hành văn bản gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể, hội, tổ chức chính trị xã hội thuộc tỉnh; UBND các huyện, thành phố; các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các trường THPT, các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh về tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2021.
Theo đó, chủ đề của Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm nay hướng vào trọng tâm là chuyển đổi số, Sở GD và ĐT đề nghị các đơn vị, địa phương triển khai tổ chức các hoạt động Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2021, nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong tầng lớp nhân dân, giúp nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của chuyển đổi số đối với việc học tập suốt đời; tăng cường trách nhiệm và huy động được sự quan tâm, tham gia của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể, lực lượng xã hội, tận dụng nền tảng công nghệ nhằm đa dạng hóa các kênh và công cụ học tập suốt đời, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2021 được tổ chức từ 1-10 đến 7-10-2021, trong đó Lễ khai mạc được tổ chức ngày 1-10; với hình thức, nội dung thiết thực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn; gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”. Các hoạt động trong Tuần lễ được triển khai phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị, đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 nhằm lan tỏa thông điệp và đưa chủ đề của Tuần lễ vào cuộc sống một cách thiết thực. Các cơ sở giáo dục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tổ chức hoạt động dạy học và các hoạt động giáo dục khác trong suốt năm học; tổ chức các lớp, khóa học trực tuyến miễn phí, phí thấp cho trẻ em và người lớn, trong đó lồng ghép, giới thiệu các nội dung học tập, các bài học và học liệu phù hợp với từng nhóm đối tượng người học thông qua các phần mềm trực tuyến; thành lập các câu lạc bộ, diễn đàn, cuộc thi trực tuyến… tạo điều kiện để mọi người dân được tham gia các hoạt động học tập, hướng dẫn kỹ năng tìm kiếm, khai thác, sử dụng thông tin trên mạng internet một cách an toàn, hiệu quả; xây dựng, cung cấp nguồn tài nguyên học liệu mở (sách, báo, học liệu, bài giảng điện tử…); phát triển cộng đồng số, công dân số… giúp học sinh, sinh viên và người dân tìm hiểu phát triển các kỹ năng và năng lực thiết yếu của bản thân trong thời đại số và toàn cầu hóa./.
Minh Thuận