Chiều 21-9, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở của tỉnh do đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh,Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC của tỉnh làm Trưởng đoàn đã có buổi giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở tại thành phố Nam Định. Tham gia Đoàn giám sát có đồng chí Trần Minh Thắng, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC của tỉnh; một số thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC của tỉnh.
Đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện QCDC của tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. |
Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc cả hệ thống chính trị nên việc thực hiện QCDC ở cơ sở ở thành phố Nam Định đã đạt được kết quả quan trọng. Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức quán triệt thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở” và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố. Hàng năm, Ban Thường vụ Thành ủy có Chương trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; Thường trực Thành ủy ra Thông báo kết luận về chương trình giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố; đồng thời chỉ đạo chính quyền các cấp thực hiện công khai, minh bạch theo quy định của hệ thống pháp luật; nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; chấn chỉnh kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở từ thành phố tới cơ sở thường xuyên kiện toàn; duy trì việc kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, khắc phục những điểm còn hạn chế trong xây dựng và thực hiện QCDC ở các loại hình, từ đó hướng dẫn cơ sở tiếp tục hoàn thiện các nội dung của thực hiện QCDC ở cơ sở. Kết quả thực hiện QCDC ở cơ sở đã góp phần đưa kinh tế - xã hội của thành phố phát triển ổn định trên các lĩnh vực, hiệu quả nền kinh tế được nâng lên; hạ tầng kinh tế, xã hội được tăng cường đầu tư, tập trung nhiều công trình trọng điểm. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh được tăng cường. Giai đoạn 2015-2020, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm đạt từ 85-89%, tỷ lệ đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt từ 75- 80,2%; tỷ lệ chính quyền cơ sở vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 78%. Phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân tiếp tục được đổi mới…
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nam Định phát biểu tại buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, thành phố Nam Định kiến nghị với Trung ương sớm ban hành Luật về thực hiện QCDC ở cơ sở; đặc biệt cần đề cập các chế tài xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự đối với tập thể, cá nhân người đứng đầu, người có hành vi vi phạm pháp luật về dân chủ. Tỉnh cần có văn bản chỉ đạo thống nhất việc cấp kinh phí hoạt động cho các Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở từ cấp xã trở lên. Kịp thời triển khai, hướng dẫn các văn bản mới của Trung ương liên quan đến việc thực hiện QCDC ở cơ sở.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC của tỉnh đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố trong việc triển khai xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở và nhấn mạnh: Thành phố cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản về QCDC ở cơ sở, nhất là Kết luận số 120-KL/TW ngày 7-1-2016 “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở”. Đẩy mạnh cải cách hành chính để phục vụ nhân dân, doanh nghiệp có hiệu quả. Nghiêm túc thực hiện các quy định về kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện giám sát, phản biện xã hội tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI). Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện QCDC ở tất các các loại hình nhằm khắc phục kịp thời những tồn tại hạn chế từ cơ sở. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” và kịp thời khen thưởng, biểu dương nhân rộng cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến trong thực hiện QCDC ở cơ sở./.
Tin, ảnh: Văn Trọng