Ngày 18-6, Bộ GD và ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 8 năm thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”. Các đồng chí: Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD và ĐT; Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD và ĐT; Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có lãnh đạo các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố, các trường đại học: Điều dưỡng, Sư phạm Kỹ thuật, Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp.
Sau 8 năm thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”, các cấp, các ngành, đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, đạt được kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có chuyển biến tích cực. Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ được củng cố vững chắc. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn, lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được tăng cường. Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên được củng cố, phát triển nhanh chóng về số lượng, đa dạng về mô hình, hoạt động, mang lại hiệu quả thiết thực đáp ứng tốt nhu cầu học tập của người dân. Các cơ sở giáo dục đã đẩy mạnh dạy học từ xa, dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình và từng bước xây dựng các khóa học trực tuyến mở đại chúng. Các thiết chế văn hóa, các phương tiện thông tin đại chúng đã tham gia cung ứng các chương trình học tập suốt đời và tổ chức các chương trình giáo dục mở trên sóng phát thanh, truyền hình. Việc triển khai các mô hình học tập được thực hiện linh hoạt, từng bước vững chắc, nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Số lượt người tham gia các lớp cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ, các lớp phổ cập ngoại ngữ, tin học ứng dụng, giáo dục kỹ năng sống, nghề ngắn hạn tại các trung tâm học tập cộng đồng tăng hàng năm. Qua thực hiện Đề án, công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ được củng cố vững chắc. Trong đó, tỷ lệ người biết chữ độ tuổi từ 15-60 tuổi là 97,85%; 94,92% cán bộ, công chức từ Trung ương đến huyện được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định. Số lao động nông thôn, công nhân lao động được học nghề ngày một nhiều; tỷ lệ học sinh, sinh viên được học kỹ năng sống thông qua các môn học tại các cơ sở giáo dục đạt tỷ lệ 64,6%...
Giải pháp trọng tâm cho việc xây dựng Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” là: Chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích của học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập đến mọi người dân. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào các hoạt động học tập suốt đời. Đẩy mạnh sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học liên thông qua hệ thống các cơ sở giáo dục thường xuyên để cung ứng nguồn tài nguyên học liệu mở, mở rộng cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người. Tích cực gắn kết giữa giáo dục thường xuyên và giáo dục chính quy, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Bộ trưởng Bộ GD và ĐT nhấn mạnh: Kết quả 8 năm thực hiện Đề án Xây dựng xã hội học tập cho thấy, đây là một chủ trương quan trọng, được ban hành kịp thời và đi vào thực tiễn. Thời gian tới, để đề án đạt hiệu quả hơn nữa, phải đổi mới quá trình hoạt động và phương pháp thực hiện. Trọng tâm là xác định rõ vai trò của các thành tố và các bên liên quan của quá trình xây dựng xã hội học tập và mỗi người phải nhận thức được nhu cầu phát triển trong hoạt động của bản thân. Các cơ sở giáo dục phải đóng vai trò then chốt trong sự phát triển xã hội học tập. Bên cạnh đó, phải có sự tham gia của các doanh nghiệp để tạo động lực cho sự phát triển của xã hội học tập. Tăng cường hệ thống học tập từ xa, gia tăng nguồn dữ liệu tài nguyên số phục vụ cho việc học tập thường xuyên… Việc thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” phải đặt mục tiêu tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập theo hướng hình thành hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục suốt đời, có chất lượng./.
Minh Thuận