Ðề nghị các trường nghề không tăng học phí trong năm học 2021-2022 do dịch COVID-19

07:06, 15/06/2021

Bộ LĐ-TB và XH vừa có công văn gửi các bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về việc hướng dẫn mức thu học phí trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp năm học 2021-2022.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá tại Công văn số 3025 (ngày 5-5-2021 về công tác điều hành giá năm 2021), để chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, học sinh, người dân do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và trong khi chờ Nghị định thay thế Nghị định số 86 năm 2015 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 được ban hành; Bộ LĐ-TB và XH đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức học phí của năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021.

Bộ LĐ-TB và XH cũng đề nghị các bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục thực hiện miễn học phí cho các đối tượng theo quy định tại khoản 2 điều 62 Luật Giáo dục nghề nghiệp (người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; người mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa). Đồng thời, các cơ sở giáo dục thực hiện công khai học phí theo quy định.

Trước đó, tại Công văn số 3025 của Văn phòng Chính phủ ngày 5-5-2021 về công tác điều hành giá năm 2021 có yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021 một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; chủ động, phối hợp chặt chẽ nghiêm túc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Theo đó, việc điều hành chính sách tài khóa chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB và XH), đến tháng 12-2020, cả nước có 1.907 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó có 400 trường cao đẳng (308 trường công lập), 463 trường trung cấp (230 trường công lập), 1.044 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (689 trung tâm công lập). Tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập là 1.227 cơ sở (538 trường cao đẳng, trung cấp công lập)./.

Theo baotintuc.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com