Bộ trưởng Bộ KH và ĐT Nguyễn Chí Dũng vừa ban hành Quyết định bãi bỏ hàng chục thủ tục trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư nhằm gỡ vướng cho quá trình đầu tư tại Việt Nam. Cùng đó, ban hành kèm bộ 65 thủ tục mới theo hướng thông thoáng hơn.
Theo đó, Bộ trưởng KH và ĐT ban hành Quyết định số 701/QĐ-BKHĐT công bố thủ tục hành chính mới, bãi bỏ trong lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ KH và ĐT. Danh mục các thủ tục hành chính bãi bỏ trong lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam bao gồm: 56 thủ tục hành chính được công bố tại Quyết định số 1038/QĐ-BKHĐT ngày 28-7-2017 của Bộ trưởng Bộ KH và ĐT với các nội dung: Quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư); Quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (đối với dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư); Quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội (đối với dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư)...
Bên cạnh đó, còn có 2 thủ tục hành chính được công bố tại Quyết định số 814/QĐ-BKHĐT ngày 25-5-2020 của Bộ trưởng Bộ KH và ĐT gồm: Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với Dự án sân gôn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ (đối với dự án thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư); Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với Dự án sân gôn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ (đối với dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư).
Cùng với đó, Bộ KH và ĐT công bố 65 thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam bao gồm: 10 thủ tục hành chính cấp Trung ương (Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; Thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; Thủ tục gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ;…) và 55 thủ tục hành chính cấp tỉnh (22 thủ tục hành chính do Sở KH và ĐT thực hiện; 23 thủ tục hành chính do Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế (Ban quản lý) thực hiện).
Các thủ tục hành chính này đều nhằm mục đích tạo thuận lợi thông thoáng cho hoạt động đầu tư của người dân, doanh nghiệp, chủ đầu tư./.
PV