Sáng 15-4, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn. Đồng chí Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự và chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có lãnh đạo các sở, ngành: Công an, Xây dựng, Công thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh.
Theo thống kê, trong 3 năm gần đây (2018-2020), cả nước đã xảy ra 10.930 vụ cháy, làm chết 235 người, bị thương 508 người, gây thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 4.911,3 tỷ đồng và khoảng 30 nghìn ha rừng. Trong đó, xảy ra 118 vụ cháy lớn, làm chết 30 người, bị thương 72 người, gây thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 4.036,1 tỷ đồng và 193 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, làm chết 205 người, bị thương 436 người. Giai đoạn 2018-2020, số vụ cháy lớn mặc dù chỉ chiếm 1,08% (118/10.930 vụ cháy) nhưng thiệt hại về người và tài sản do cháy lớn gây ra rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tình hình ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội, gây tổn thất lớn về kinh tế và môi trường. Số người chết do cháy lớn gây ra chiếm 12,7% (30/235 người), số người bị thương chiếm 14,17% (72/508 người), đặc biệt thiệt hại về tài sản chiếm 82,18% tổng thiệt hại do cháy gây ra (4.036,1/4.911,3 tỷ đồng). So với cùng kỳ 3 năm trước (2015-2017), số vụ cháy lớn tăng 26 vụ (118/92 vụ, tăng 28,2%); thiệt hại tài sản tăng 151,9 tỷ đồng (4.036,1/3.884,2 tỷ đồng, tăng 3,9%); giảm 2 người chết (30/32 người, giảm 6,25%), số người bị thương giảm 1 người (72/73 người, giảm 1,4%). Địa bàn xảy ra cháy lớn tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, có nhiều khu dân cư tập trung. Cháy lớn xảy ra tại các cơ sở trong các khu công nghiệp, khu chế xuất 52 vụ (chiếm 44%), gây thiệt hại về tài sản 2.519,2 tỷ đồng (chiếm 62% tổng thiệt hại do cháy lớn). Cháy lớn xảy ra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm đan xen kẽ trong các khu dân cư 30 vụ (chiếm 25,4%). Cháy lớn xảy ra tại cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài 30/118 vụ (chiếm 25,4%) gây thiệt hại về tài sản ước tính 1.972,3 tỷ đồng (tương đương với 48,9% tổng thiệt hại do các vụ cháy lớn. Loại hình cơ sở xảy ra cháy lớn chủ yếu tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễ cháy như: cơ sở sản xuất, chế biến gỗ; cơ sở da giày, dệt may; kho, bãi hàng hóa, vật tư; cơ sở sản xuất bao bì, mút xốp; chợ; cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất; nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm.
Thời gian tới, Bộ Công an đã phát động đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Triển khai kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện của công an các địa phương khi xảy ra cháy lớn; một số hạn chế và rút kinh nghiệm khi xây dựng phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ có huy động nhiều lực lượng, phương tiện của địa phương và công an các địa phương lân cận… Bộ Công an yêu cầu lực lượng PCCC các đơn vị, địa phương cần chủ động hơn nữa trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng xảy ra. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH, nghiên cứu, đổi mới một cách căn bản hình thức, nội dung và phương pháp tuyên truyền giáo dục kiến thức về PCCC và CNCH cho các tầng lớp nhân dân. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; thanh tra, kiểm tra an toàn PCCC đối với các cơ sở, địa bàn có nhiều nguy cơ cháy, nổ cao; thực hiện nghiêm công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và CNCH. Công an các địa phương tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn không để gia tăng số vụ, số người. Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng và trực tiếp kiến thức pháp luật về PCCC đến chủ hộ gia đình và người dân sinh sống, làm việc tại khu dân cư nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định về PCCC, kỹ năng thoát nạn, sử dụng phương tiện chữa cháy để kịp thời xử lý các tình huống cháy, nổ khi mới phát sinh. Kiểm tra, phát hiện và hướng dẫn duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh theo phân cấp quản lý, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về PCCC theo quy định. Nghiên cứu hoàn thiện các giải pháp bảo đảm an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi địa phương./.
Thanh Tuấn