Sáng 23-4, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH). Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an tới dự. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: Công tác PCCC và CHCN là một nhiệm vụ quan trọng, nhất là trong thời gian qua, do lỗi chủ quan và khách quan, trên toàn quốc đã xảy ra một số vụ cháy lớn gây thiệt hại về người và tài sản. Các đơn vị, địa phương cần tiếp tục đánh giá cụ thể, sâu sắc tình hình, căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PCCC. Tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác PCCC và CNCH; rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực PCCC và CNCH; phối hợp đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến công tác PCCC... Công an các đơn vị, địa phương cần tham mưu UBND các cấp chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông trong và ngoài lực lượng CAND phối hợp lực lượng Công an, Cảnh sát PCCC và CNCH đẩy mạnh tuyên truyền an toàn PCCC.
Tại buổi tập huấn, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Cục PCCC (Bộ Công an) quán triệt Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24-11-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC và các thông tư của Bộ Công an về công tác PCCC. Các chuyên đề về một số nội dung liên quan đến công tác phòng cháy theo quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an; Một số nội dung liên quan đến công tác chữa cháy và CNCH theo quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an. Theo đó, Nghị định 136/2020/NĐ-CP gồm 9 chương 54 điều. Nghị định quy định về hoạt động PCCC, tổ chức lực lượng, phương tiện PCCC, kinh doanh dịch vụ PCCC, kinh phí bảo đảm cho hoạt động PCCC, trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp trong hoạt động PCCC áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân hoạt động, sinh sống trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nghị định quy định rõ các điều kiện an toàn về PCCC đối với phương tiện giao thông cơ giới, khu dân cư, hộ gia đình... Hộ gia đình phải bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC theo quy định tại Khoản 1, Điều 17 Luật PCCC. Hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC như: Có nội quy về PCCC, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an. Có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh... Khu dân cư phải bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC như: Có nội quy về PCCC, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an; có hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp chống cháy lan, phương tiện PCCC bảo đảm số lượng và chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an; có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có lực lượng dân phòng được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ./.
Thanh Tuấn