Để chuẩn bị cho Hội nghị hiệp thương lần ba diễn ra từ ngày 14 đến 18-4-2021, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổ chức họp với đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã nơi có người ứng cử đại biểu Quốc hội cư trú và đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị có người ứng cử để hướng dẫn việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri.
Sau Hội nghị hiệp thương lần hai, tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là 1.084 người, trong đó có 205 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu, 803 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu, 76 người tự ứng cử, đạt tỉ lệ bình quân 2,17 lần so với tổng số đại biểu Quốc hội được bầu.
Trao đổi với báo chí, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh, Hội nghị lấy ý kiến, tín nhiệm của cử tri nơi công tác và nơi cư trú là một khâu rất quan trọng trong quá trình hiệp thương lên danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Do đó, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã cần phải có kế hoạch thật cụ thể, tạo điều kiện cho người được ứng cử về khu dân cư của mình để lắng nghe ý kiến người dân, đồng thời tạo điều kiện cho các cơ quan mà có người ứng cử phải có trách nhiệm về các nơi dân cư để nghe ý kiến nhận xét của nhân dân.
Theo Ðiều 45 và Ðiều 46 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Chương I của Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết liên tịch 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ÐCTUBTWMTTQVN, việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và cử tri nơi công tác (nếu có) đối với người tự ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, người được thôn, tổ dân phố giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 21-3-2021 đến ngày 13-4-2021 (từ sau khi kết thúc Hội nghị hiệp thương lần thứ hai đến trước khi bắt đầu Hội nghị hiệp thương lần thứ ba).
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị hiệp thương họp với người phụ trách công tác tổ chức cán bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân; đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp dưới trực tiếp (đối với cấp xã thì mời các Trưởng ban công tác Mặt trận trên địa bàn), Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện cư trú để hướng dẫn việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân có tên trong danh sách sơ bộ; lấy ý kiến cử tri nơi công tác (nếu có) đối với người tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và người được thôn, tổ dân phố giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.
Hội nghị cử tri nơi cư trú để lấy ý kiến đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (gồm người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) được tổ chức tại thôn, tổ dân phố nơi người ứng cử thường trú hoặc tạm trú.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp triệu tập và chủ trì hội nghị. Trưởng ban công tác Mặt trận phối hợp với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lập danh sách và mời cử tri đến dự hội nghị. Trường hợp tổ chức hội nghị cử tri tại khu chung cư hoặc khu đô thị chưa được tách hay thành lập tổ dân phố riêng thì Trưởng ban công tác Mặt trận đang phụ trách địa bàn nơi có khu chung cư, khu đô thị phối hợp với Ban quản trị hoặc Ban quản lý khu chung cư, Ban quản trị khu đô thị (nếu có) lập danh sách và mời cử tri cư trú tại tòa nhà khu chung cư hoặc khu đô thị đến dự hội nghị./.
Theo baotintuc.vn