Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam vừa phối hợp tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và chủ trì hội nghị.
Báo cáo tổng kết nêu rõ: trong năm 2020, công tác chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí tiếp tục được thực hiện nhất quán theo phương châm chủ động, kịp thời, hiệu quả, thuyết phục, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm; việc chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí được tăng cường, nhất là đối với các sai phạm liên quan việc thực hiện không đúng tôn chỉ mục đích, thông tin sai sự thật, thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc; tình trạng “báo hóa” các tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội “núp bóng” hoạt động như cơ quan báo chí; Quy hoạch báo chí được triển khai cơ bản bảo đảm tiến độ; năm 2020 cả nước hiện có 779 cơ quan báo chí, giảm 71 cơ quan báo chí so với năm 2019, các cơ quan báo chí chủ động đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, ngày càng chuyên nghiệp, đội ngũ phóng viên, nhà báo được tăng cường bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ đáp ứng tốt yêu cầu thực hiện nhiệm vụ thông tin tuyên truyền trong tình hình mới; Các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế, là diễn đàn tin cậy của nhân dân; Góp phần cùng các ngành, các cấp và cả nước thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa giữ vững tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đánh giá cao vai trò quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền, trong đó vai trò của báo chí luôn đi đầu trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19; Báo chí đã thông tin truyên truyền sâu sắc, nổi bật về các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, góp phần giáo dục truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc, nâng cao nhận thức và củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, khơi dậy và cổ vũ tinh thần yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Công tác thông tin tuyên truyền được quan tâm chú trọng, có chiều sâu, tạo được sức lan tỏa, khắc phục được khuynh hướng coi nhẹ biểu dương mà nặng về phê phán, thổi phồng, bảo đảm thông tin tích cực trên báo chí; Việc góp ý vào các văn kiện dự thảo trình Đại hội XIII của Đảng đã được các cơ quan báo chí chủ động thực hiện với tinh thần trách nhiệm, sáng tạo bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tạo nên một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng; Báo chí tích cực thông tin tuyên truyền các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế; Công tác thông tin tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch thật sự có chuyển biến rõ nét, qua đó tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và tiền đồ của đất nước.
Công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống được báo chí phản ánh sinh động, hiệu quả; Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng quản lý báo chí, công tác Hội Nhà báo có chuyển biến tích cực theo hướng chủ động, kịp thời, bám sát thực tiễn, kiên quyết xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí, nhất là việc thực hiện tôn chỉ mục đích, đưa thông tin sai sự thật, không phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc; Việc triển khai quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã cơ bản đúng phương án và lộ trình đề ra vì mục tiêu chung xây dựng một nền báo chí cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại và lành mạnh. Đồng chí khẳng định, qua nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, báo chí đã có một bước chuyển căn bản, vững chắc trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, có tiến bộ rõ rệt trong nhận thức, trong thực hiện chức năng nhiệm vụ và sứ mệnh cao cả của báo chí trong công tác tuyên truyền và định hướng dư luận, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận.
Đồng thời, đồng chí cũng chỉ rõ công tác báo chí năm 2020 vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm cần phải nghiêm túc khắc phục; một số cơ quan báo chí chậm đổi mới, chưa theo kịp tình hình phát triển hiện nay; các cấp Hội Nhà báo chưa phát huy hết trách nhiệm trong việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp đối với hội viên, có biểu hiện trông chờ việc xử lý các vi phạm đạo đức nghề nghiệp của hội viên; Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chấn chỉnh các sai phạm trong hoạt động báo chí chưa thường xuyên, liên tục, kết quả xử lý chưa tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi sai phạm; tình trạng xa rời tôn chỉ mục đích, chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan báo chí vẫn tiếp diễn mặc dù đã được nhắc nhở, tình trạng liên kết chi phối nội dung hoạt động báo chí đã được nhận diện, chỉ ra nhưng khắc phục chưa hiệu quả; Việc quản lý phóng viên, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cộng tác viên còn lỏng lẻo, tình trạng phóng viên, cộng tác viên bị các cơ quan chức năng xem xét, xử lý, truy tố xét xử vì động cơ trục lợi ngày càng tăng; công tác xây dựng Đảng trong cơ quan báo chí chưa được coi trọng đúng mức.
Phát huy tinh thần đó, đồng chí Võ Văn Thưởng mong rằng, năm 2021, công tác Tuyên giáo của Đảng, trong đó có công tác báo chí tiếp tục phải giữ vững vai trò tiên phong trong ổn định tư tưởng, tâm trạng xã hội, phát huy vai trò “đi trước, mở đường”; chủ động công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tiếp tục nhận thức, quán triệt thật sâu sắc và đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác báo chí với tư cách là một thành tố quan trọng trong công tác tuyên giáo của Đảng; là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, là diễn đàn của Nhân dân.
Đại hội XIII của Đảng đang đến rất gần, do vậy, nhiệm vụ quan trọng và tập trung nhất của các cơ quan báo chí trong thời gian tới và trong cả năm 2021 là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về Đại hội XIII của Đảng và việc triển khai đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về báo chí theo hướng tăng cường trách nhiệm; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý báo chí.
Thực hiện tốt nhiệm vụ trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đã nêu ra: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt việc quy hoạch, sắp xếp hợp lý hệ thống báo chí, truyền thông”. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý báo chí, chấn chỉnh vi phạm hoạt động báo chí. Cần đặc biệt quan tâm đến tình trạng tư nhân “núp bóng”, lợi dụng hoạt động liên kết để chi phối nội dung, hoạt động báo chí. Các cơ quan chủ quản báo chí cần đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, chú trọng hoàn thiện quy chế, quy trình quản lý tòa soạn, quy trình tác nghiệp của phóng viên, biên tập viên; xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động báo chí, với người thực thi hoạt động báo chí để hạn chế, tiến tới ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động lạm dụng báo chí.
Cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động của cơ quan báo chí trực thuộc; quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phóng viên cũng như tạo điều kiện về cơ sở vật chất... Làm tốt công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí, chính là cơ sở để xây dựng nền báo chí cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.
Xây dựng đội ngũ người làm báo chuyên nghiệp; có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, có ý thức đạo đức nghề nghiệp, ý thức phục vụ Đảng, phục vụ đất nước và Nhân dân, có dũng khí đấu tranh với cái sai, bảo vệ cái đúng; biết vượt qua cám dỗ, loại bỏ được sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham và sự giả dối của bản thân, thực sự tâm huyết, công tâm, khách quan trong thực thi nhiệm vụ, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân và danh dự của cá nhân trên từng trang viết./.
PV