Báo cáo tại Hội nghị Triển khai Chương trình công tác năm 2021 của Kiểm toán Nhà nước tổ chức sáng 5-1 cho biết: Tổng hợp kết quả xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước đến ngày 4-1 là hơn 60 nghìn tỷ đồng; trong đó tăng thu Ngân sách Nhà nước hơn 4.900 tỷ đồng, giảm chi Ngân sách Nhà nước hơn 13.800 tỷ đồng, kiến nghị khác khoảng 41.200 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 119 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý.
Qua kiểm toán cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán. Trong đó, có nhiều kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh những hạn chế, bất cập như cơ chế quản lý và sử dụng nguồn tích lũy tài chính công đoàn, thực hiện hợp đồng BT, BOT; công tác quản lý thuế, đất đai, tài nguyên khoáng sản; cơ chế quản lý, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, tổ chức tín dụng...
Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, năm 2021 sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2021, tạo tiền đề thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030, trong đó, sẽ đổi mới phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu. Ðẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, tiếp tục khẳng định vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021.
Năm 2021, Kiểm toán Nhà nước sẽ tổ chức thực hiện 181 cuộc kiểm toán thuộc kế hoạch kiểm toán, đảm bảo tiến độ, kết quả, hiệu quả và chất lượng trên tinh thần đổi mới toàn diện phương pháp quản lý hoạt động kiểm toán, phát triển và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán./.
PV