Ngày 9-12, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự ATGT giai đoạn 2016-2020; Năm ATGT 2020 và triển khai kế hoạch Năm ATGT 2021. Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí thành viên Ban ATGT tỉnh.
Dưới sự quan tâm lãnh đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia; sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, đoàn thể chính trị xã hội và các địa phương để triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tình hình trật tự ATGT giai đoạn 2016-2020 có những chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền về bảo đảm trật tự ATGT được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông được thực hiện có hiệu quả. Trong 5 năm qua, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị chức năng hoàn thành thi công đưa vào khai thác 132 công trình, dự án; chỉ đạo tăng cường các giải pháp quản lý, bảo trì các công trình giao thông, đẩy mạnh triển khai rà soát, điều chỉnh hệ thống báo hiệu đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng hải; xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông (đã xử lý 1.142 điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; thay thế, điều chỉnh 20.725 cụm biển báo; sửa chữa bổ sung 654km hộ lan phòng hộ; xây dựng 56 đường cứu nạn, hốc cứu nạn; xóa bỏ 480 và thu hẹp 1.499 lối đi tự mở qua đường sắt, cắm biển “Chú ý tàu hỏa” tại 3.064 vị trí; điều tiết hướng dẫn đảm bảo ATGT đường thủy tại 253 vị trí). Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông, đặc biệt là các tuyến quốc lộ trọng điểm, địa bàn xảy ra nhiều tai nạn giao thông. Trong 5 năm qua, lực lượng CSGT toàn quốc đã lập biên bản xử lý gần 21 triệu trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền trên 14 nghìn tỷ đồng, tước gần 2 triệu giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ trên 3 triệu phương tiện. Lực lượng Thanh tra GTVT toàn quốc đã thực hiện gần 500 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; xử phạt vi phạm hành chính trên 400 nghìn vụ với số tiền phạt gần 2.000 tỷ đồng; tạm giữ trên 2.000 ô tô; đình chỉ hoạt động gần 3.000 bến thủy nội địa, trên 2.000 phương tiện thủy nội địa; giám sát gần 5.000 kỳ sát hạch lái xe ô tô và trên 4.000 kỳ sát hạch lái xe mô tô.
Về tai nạn giao thông trong giai đoạn 2016-2020, toàn quốc xảy ra 94.024 vụ, làm 39.917 người chết, 77.477 người bị thương. So với cùng kỳ 5 năm trước, giảm 70.085 vụ (42,71%), giảm 9.372 người chết (19,01%), giảm 90.628 người bị thương (53,91%). Đặc biệt trong 11 tháng năm 2020 (tính từ ngày 15-12-2019 đến 14-11-2020), toàn quốc xảy ra 12.985 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.048 người, bị thương 9.652 người; so với cùng kỳ đã giảm sâu nhất cả số vụ, số người chết, số người bị thương trong vòng 10 năm qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong 5 năm qua, tình hình trật tự ATGT vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp; số vụ số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao; vẫn còn để xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe kinh doanh vận tải khách; tai nạn giao thông đường thủy tăng cao về số vụ (tăng 7,27%) và số người chết (tăng 79,17%); tình hình xe ô tô vi phạm tải trọng vẫn còn diễn biến phức tạp ở những địa bàn có nhiều mỏ vật liệu, cửa khẩu, cảng biển, bến sông; tái diễn hiện tượng xe chở quá tải chạy qua nhiều tỉnh mà không bị phát hiện, xử lý; hiện tượng cơi nới thành, thùng xe tại một số địa phương mà chưa bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến rất phức tạp trên các trục giao thông trọng điểm và các đô thị lớn...
Bước sang năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, dự báo đà phục hồi, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ sau đại dịch và quá trình hội nhập khu vực, quốc tế mạnh mẽ, nhu cầu vận tải hàng hoá, đi lại giữa các vùng miền, giữa Việt Nam với thế giới sẽ tăng nhanh, hoạt động giao thông gia tăng phức tạp đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần tiếp tục vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT trong tình hình mới. Ủy ban ATGT quốc gia đang gửi dự thảo Kế hoạch năm ATGT 2021 với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự ATGT”, để xin ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương. Mục tiêu là tiếp tục kéo giảm từ 5%-10% tai nạn giao thông hàng năm trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương); giảm tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; từng bước giải quyết ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao các cấp, các ngành, các địa phương trên cả nước đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm trật tự ATGT trong giai đoạn 2016-2020. Phát huy kết quả đã đạt được, để thực hiện và hoàn thành các mục tiêu kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình, cũng như các nhiệm vụ cụ thể được giao trong Kế hoạch Năm ATGT 2021 của Ủy ban ATGT quốc gia; các cơ quan thành viên Ủy ban ATGT quốc gia và Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về bảo đảm trật tự ATGT, chống ùn tắc giao thông. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT. Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý Nhà nước về GTVT; nâng cao năng lực, hiệu lực của lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT. Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gắn với duy tu; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa. Đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị, vùng tỉnh và liên tỉnh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đối với công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, cũng như hỗ trợ công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự ATGT. Thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân. Quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới trong các đô thị phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng./.
Thành Trung