Nhiều mức phạt trong hoạt động báo chí tăng mạnh
Từ 1-12-2020, nhiều mức phạt trong hoạt động báo chí tăng mạnh, theo Nghị định 119/2020/NĐ-CP. Trong đó, có mức phạt đối với hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên báo chí. Cụ thể: Nếu gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng, phạt từ 5-10 triệu đồng (trước đây chỉ phạt 1 đến 3 triệu đồng). Nếu gây ảnh hưởng nghiêm trọng, phạt từ 50-70 triệu đồng (trước đây chỉ phạt 5-10 triệu đồng). Nếu gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, phạt từ 70-100 triệu đồng (trước đây chỉ phạt 20-30 triệu đồng).
Trong cả 3 trường hợp nêu trên, báo chí đều buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật đã đăng tải. Đồng thời, riêng trường hợp đăng thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, báo chí còn có thể bị đình chỉ hoạt động từ 1-12 tháng (trước đây chỉ bị đình chỉ hoạt động từ 1-3 tháng).
Khai sai số tiền mang theo khi xuất cảnh bị phạt đến 50 triệu đồng
Nghị định 128/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan quy định các mức phạt đối với người xuất cảnh không khai, khai sai số tiền, vàng mang ra nước ngoài vượt quá mức quy định. Cụ thể: Phạt từ 1 đến 3 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 5-10 triệu đồng; Phạt từ 5-15 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 30 đến dưới 70 triệu đồng; Phạt từ 15-25 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 70 đến dưới 100 triệu đồng; Phạt từ 30-50 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10-12-2020.
Làm mất hóa đơn bị phạt đến 10 triệu đồng
Nghị định 125/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn sẽ có hiệu lực từ ngày 5-12-2020, trong đó có quy định mức phạt đối với hành vi làm mất hóa đơn. Mức phạt cụ thể như sau:
Phạt cảnh cáo nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng có tình tiết giảm nhẹ; Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập sai, đã xóa bỏ và người bán đã lập hóa đơn khác thay thế. Phạt từ 3-5 triệu đồng nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng). Phạt từ 4-8 triệu đồng nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành, đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập… Phạt từ 8-10 triệu đồng nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn không thuộc các trường hợp trên.
Từ 5-12, ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản cho cơ quan thuế
Đây là thông tin đáng chú ý tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ ngày 5-12-2020. Khoản 2, Điều 30 của Nghị định nêu rõ, theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế, bao gồm: Tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.
Đồng thời, trong trường hợp cần thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế.
Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của các thông tin trên.
Tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 3 quý đầu không được thấp hơn 75%
Đây cũng là một nội dung rất đáng chú ý đối với các doanh nghiệp tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế.
Điểm b khoản 6 Điều 8 của Nghị định chỉ rõ: Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 03 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 03 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 03 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.
Như vậy, hết ngày 31-10 hàng năm số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của 3 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm; nếu nộp thấp hơn doanh nghiệp sẽ phải nộp tiền chậm nộp./.
PV