Ngày 3-12, Sở TN và MT tổ chức hội thảo bàn giải pháp nhân rộng mô hình phân loại rác thải tại nguồn (PLRTTN) trên địa bàn tỉnh. Dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan và các tổ chức hội, đoàn thể; lãnh đạo các huyện, thành phố và một số xã tiêu biểu trong thực hiện PLRTTN.
Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Nhằm giảm bớt lượng rác phải xử lý trong điều kiện chưa đầu tư được các nhà máy xử lý rác thải quy mô lớn, công nghệ hiện đại, tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể tập trung triển khai mô hình PLRTTN. Hội Nông dân tỉnh đã chủ trì triển khai mô hình PLRTTN đầu tiên vào tháng 5-2018 tại xã Hải Lý (Hải Hậu). Hiện trên toàn tỉnh áp dụng 3 mô hình PLRTTN gồm: đào hố rác di động để xử lý rác hữu cơ; xử lý rác hữu cơ trong thùng nhựa và mô hình phân loại rác vào 2 thùng riêng biệt. Kết quả triển khai các mô hình PLRTTN vượt xa kỳ vọng ban đầu về ý thức trách nhiệm tự giác tham gia của người dân, số lượng địa phương, đơn vị, hộ dân tham gia nhân rộng mô hình. Toàn tỉnh có 10/10 huyện, thành phố đã thực hiện việc PLRTTN với 123 xã, 179 thôn, 25.592 hộ dân tham gia. Việc PLRTTN còn phát sinh thu nhập cho hộ dân từ công đoạn xử lý rác hữu cơ làm thức ăn chăn nuôi, phân bón; tạo nguồn tài nguyên phân bón hữu cơ cho sản xuất nông nghiệp. Tại hội thảo, đại diện các địa phương, tổ chức hội, đoàn thể đã phân tích chỉ ra cụ thể các bất cập, giải pháp nhân rộng hoạt động PLRTTN. Trong đó, đáng chú ý là: chưa thiết lập thành chuỗi quy trình PLRTTN trong thu gom, xử lý; kinh phí đầu tư cho việc PLRTTN còn hạn chế; việc thực hiện trách nhiệm quản lý công tác bảo vệ môi trường của cán bộ chuyên ngành, chính quyền một số địa phương chưa cao; chưa có quy định pháp lý, hướng dẫn chuyên môn chính thức về phương pháp PLRTTN để người dân thực hiện.
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Các mô hình PLRTTN đã huy động được sự vào cuộc thực hiện của toàn dân, đã đạt giá trị là giải pháp cả trước mắt và lâu dài trong tổng thể nhiệm vụ xử lý rác thải. Trong bối cảnh chưa đủ điều kiện đầu tư đồng bộ công trình xử lý rác thải quy mô lớn, công nghệ hiện đại, các ngành, các địa phương cần xác định PLRTTN là nhiệm vụ bắt buộc phải thực thi để đảm bảo tiêu chí cảnh quan, môi trường trong xây dựng NTM kiểu mẫu, nâng cao. Để việc PLRTTN được nhân nhanh, rộng khắp trên toàn tỉnh, trước tiên lãnh đạo các sở, ngành, tổ chức hội, đoàn thể, các địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị, phải quyết liệt tổ chức thực hiện. Các huyện khẩn trương tổ chức đánh giá mô hình đã triển khai; trong tháng 12-2020 phải hoàn thành xây dựng kế hoạch chi tiết đẩy mạnh PLRTTN của địa phương, có xác định cụ thể chỉ tiêu số thôn, số hộ dân tham gia. Chú ý đặt mục tiêu mỗi xã có 70% số thôn hoặc 50% số hộ PLRTTN thì mới xét hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM kiểu mẫu, nâng cao. Trên cơ sở kế hoạch của các huyện, thành phố, Sở TN và MT tổng hợp xây dựng kế hoạch của tỉnh; chủ trì triển khai, đốc thúc việc thực hiện của các địa phương. Trước mắt, Sở TN và MT khẩn trương hoàn tất quy trình hướng dẫn các hộ dân PLRTTN theo quy chuẩn ngành và điều kiện thực tế của địa phương; tham mưu để Chủ tịch UBND tỉnh ban hành chỉ thị chỉ đạo thực hiện chương trình PLRTTN theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương; tham mưu cho UBND tỉnh phương án sử dụng hợp lý kinh phí sự nghiệp môi trường chi cho công tác PLRTTN. Về lâu dài, phải duy trì tổ chức hội nghị, hội thảo bàn giải pháp kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh để nâng cao hiệu quả PLRTTN; lựa chọn mô hình tiêu biểu để các địa phương tiếp cận, học tập. Các sở, ngành, đoàn thể liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình tăng cường phối hợp, đẩy mạnh các chương trình, hoạt động nâng cao hiệu quả PLRTTN, xử lý rác thải sinh hoạt, bảo vệ môi trường./.
Tin, ảnh: Thanh Thúy