Theo Tổng cục Thống kê, thời gian qua, các bộ, ngành và địa phương đang tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình với mục tiêu thực hiện tối đa kế hoạch vốn được giao trong năm 2020. Theo đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11 ước tính đạt 10,6% so với kế hoạch năm 2020. So với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11 và 11 tháng năm nay tiếp tục đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11-2020 ước tính đạt 54,5 nghìn tỷ đồng, tăng 37,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Trung ương quản lý 11 nghìn tỷ đồng, tăng 51,3%; vốn địa phương quản lý 43,5 nghìn tỷ đồng, tăng 34%. Tính chung 11 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 406,8 nghìn tỷ đồng, bằng 79,3% kế hoạch năm và tăng 34% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 79,2% và tăng 7%).
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20-11-2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,4 tỷ USD.
Trong đó có 2.313 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 13,6 tỷ USD; có 1.051 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 6,3 tỷ USD, tăng 7,8%; có 5.812 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn đạt 6,5 tỷ USD, giảm 41,8%.
Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.535 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp gần 2,7 tỷ USD và 4.277 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị hơn 3,8 tỷ USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 11 tháng ước tính đạt 17,2 tỷ USD, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 12,2 tỷ USD, chiếm 70,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,5 tỷ USD, chiếm 14,7%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,2 tỷ USD, chiếm 6,9%.
Trong số 77 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 11 tháng, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 5,8 tỷ USD, chiếm 42,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc) 1,5 tỷ USD, chiếm 10,8%; Trung Quốc 1,4 tỷ USD, chiếm 10,5%; Hàn Quốc 1.142,1 triệu USD, chiếm 8,4%; Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 1.064,9 triệu USD, chiếm 7,9%; Nhật Bản 678,3 triệu USD, chiếm 5%.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 11 tháng năm 2020 có 114 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng số vốn đầu tư của phía Việt Nam là 316,4 triệu USD; có 30 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm đạt 174 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 11 tháng đạt 490,4 triệu USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước./.
PV