Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục rà soát, đánh giá toàn diện các nội dung được nhân dân, cử tri quan tâm

07:10, 14/10/2020

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 49, sáng 14-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội; Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2020.

Theo dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, cử tri đánh giá cao nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp đã chung sức, đồng lòng cùng doanh nghiệp, nhân dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để duy trì sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống. Quốc hội, Chính phủ đã triển khai có hiệu quả nhiều chính sách, giải pháp kích thích tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương, thặng dư thương mại đạt mức cao, lạm phát được kiểm soát.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân lo lắng về tình hình dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, việc triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng cho các nhóm đối tượng bị tác động của dịch COVID-19 thời gian qua còn chậm; ở một số nơi còn thiếu sót và trùng đối tượng thụ hưởng.

Nhân dân một số nơi lo lắng, bức xúc vì giá sách giáo khoa tăng cao hơn nhiều so với năm học trước đó và có thể có dấu hiệu “lợi ích nhóm”; việc lạm thu quỹ phụ huynh đầu năm học mới vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Bên cạnh ghi nhận nỗ lực của ngành Y tế trong phòng, chống dịch COVID-19, cử tri và nhân dân còn bức xúc về các hành vi nâng giá thiết bị phục vụ phòng, chống dịch bệnh, thiết bị, vật tư y tế, nâng giá dịch vụ khám, chữa bệnh của một số cơ sở y tế công nhằm “trục lợi”.

Liên quan đến tình hình an ninh, trật tự và an toàn xã hội, cử tri và nhân dân lo lắng về tình trạng tội phạm cướp giật, tín dụng đen, lừa đảo, bắt cóc trẻ em, giết người dã man; các đường dây cá độ, đánh bạc qua mạng, cho vay nặng lãi với số tiền rất lớn và tội phạm ma túy vẫn diễn biến hết sức phức tạp, mức độ ngày càng nghiêm trọng...

Trên cơ sở ý kiến của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19. Các bộ, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, giải quyết vướng mắc trong thủ tục hành chính, thu hút đầu tư trong và ngoài nước; tiếp tục đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công, chú trọng đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các dự án lớn, đồng thời quan tâm đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng, vùng kinh tế trọng điểm, tạo nền tảng tăng trưởng bền vững, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tăng cường đôn đốc, giám sát chặt chẽ, thường xuyên việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, việc triển khai các dự án đầu tư, công trình trọng điểm quốc gia; giám sát chặt chẽ việc giải quyết các vụ án lớn, phức tạp, nhất là các vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, những vụ án phức tạp, kéo dài, thủ tục có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong nhân dân.

Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch; chỉ đạo Bộ Công an, các ngành chức năng, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, triệt phá các băng nhóm giang hồ, xã hội đen, buôn bán ma túy; chỉ đạo ngành Thanh tra và chính quyền các cấp tập trung thanh tra, kiểm tra giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài nhiều năm, đặc biệt liên quan đến tranh chấp đất đai, thu hồi đất... Cấp ủy, chính quyền các cấp phát huy trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cán bộ; rà soát chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện, trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.

Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung của dự thảo Báo cáo và cho rằng Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tích cực, chủ động, tập hợp đầy đủ, toàn diện ý kiến, kiến nghị của cử tri, đưa ra đánh giá, đề xuất kiến nghị cụ thể.

Một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ, toàn diện các nội dung được nhân dân, cử tri quan tâm liên quan đến đối tượng hỗ trợ của gói 62 nghìn tỷ đồng, quản lý thông tin trên mạng xã hội; đánh giá kỹ lĩnh vực giáo dục, trong đó nổi lên vấn đề sách giáo khoa…

Về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2020, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ: Năm 2020, mặc dù tình hình dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, nhất là trách nhiệm tiếp công dân của Chủ tịch UBND các cấp. Người đứng đầu các bộ rất quan tâm, chú trọng đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đã trực tiếp tiếp công dân định kỳ và tổ chức cử các lãnh đạo bộ tiếp theo lĩnh vực được phân công phụ trách; bố trí cán bộ đủ năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ để tiếp công dân, kịp thời xử lý các trường hợp công dân đến khiếu nại, tố cáo đối với các vụ việc đông người, không để xảy ra tình hình phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu UBND có sự chuyển biến rõ rệt so với kỳ báo cáo trước, tỷ lệ bình quân Chủ tịch cấp huyện, cấp xã tiếp định kỳ tăng nhiều so với kỳ trước. Đây cũng là một trong những nguyên nhân của việc giảm đơn, thư khiếu nại, tố cáo vì nhiều vụ việc đã được giải quyết ngay từ cấp cơ sở.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Ban Dân nguyện làm rõ thêm nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong việc trả lời không đúng, không đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri; phân tích nguyên nhân của việc giảm số lượng vụ việc là từ đâu, các nhóm vấn đề nổi lên tập trung ở những lĩnh vực nào; rà soát kỹ các nội dung, đặc biệt là các nội dung đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết./.

Theo baotintuc.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com